ĐBQH lo ngại về những khó khăn của Dự án Nhiệt điện Long Phú 1
Việc chậm tiến độ và vướng nhiều vấn đề phát sinh của Nhiệt điện Long Phú 1 khiến ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề lo ngại Dự án này sẽ trở thành một thành viên gia nhập 'câu lạc bộ các dự án nghìn tỷ' thua lỗ.
Trước lo ngại của đại biểu quốc hội về Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, cung cấp điện cho đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Thực tế dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là một dự án rất quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII và đặt tại tỉnh Sóc Trăng”.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) có công suất 1.200 MW, được Chính phủ giao PVN làm chủ đầu tư từ năm 2010, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỷ đồng, nhưng Dự án đã tăng vốn trên 41.000 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2015, tổ máy 2 vào tháng 9/2015.
Tuy nhiên, đến nay sau 9 năm thực hiện, tiến độ xây dựng nhà máy mới đạt 77,5% và chưa biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Tính đến nay tiến độ của dự án đã đạt được khoảng 77,5%, tổng thầu của dự án này là nhà thầu Power Machine (PM) của Nga.
Tuy nhiên, thời gian mới đây có một số vấn đề phát sinh liên quan đến dự án Nhiệt điện Long Phú 1, đó là chuyện nhà thầu này nằm trong danh sách của phía Chính phủ Mỹ công bố cấm vận và không cho phép tham gia thực hiện các hoạt động giao dịch quốc tế, trong đó có những hoạt động sử dụng đồng USD cũng như các hoạt động liên quan đến các nhà thầu của Mỹ
Chính vì vậy, các nhà thầu phụ của Mỹ thì không có điều kiện để tiếp thực hiện dự án này với nhà thầu Power Machine của Nga cũng như các cơ chế thanh toán đang bị ngăn chặn
Dù suốt gần hai năm qua Chính phủ và các bộ, ngành tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm ra giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, đến hiện nay với câu chuyện bị cấm vận như thế này thì năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, đang tính đến những phương án có thể tiếp quản lại dự án và có thể có Tổng thầu mới hoặc của trong nước hoặc đối tác khác để thực hiện.
Bộ Công Thương thông tin, trong khi đang đàm phán giữa chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) với nhà thầu này chưa quyết được vấn đề. Hiện nay tổng thầu này đã trình hồ sơ và kiện ra Tòa án quốc tế, lấy trọng tài Singapore. Hiện nay các phương án để xử lý các vướng mắc của dự án này thì Chính phủ vẫn đang chỉ đạo tiếp tục phối hợp, không còn chỉ giới hạn ở trong phạm vi của chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mà phải có những cơ chế của liên Chính phủ giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Việt Nam để tiếp tục xử lý.
"Đây là vấn đề vô cùng phức tạp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định. "Chúng tôi sơ bộ báo cáo với những vấn đề cụ thể, chưa thể đi sâu vào chi tiết, nhưng Chính phủ đang chỉ đạo cho các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp để đảm bảo triển khai dự án này đạt hiệu quả chung, cũng như đóng góp cho việc cân đối điện trong thời gian tới".
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã có sự chỉ đạo và thực hiện những chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, đôn đốc và phối hợp cùng với các bộ như Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai liên tục trong thời gian vừa qua các hoạt động với chủ đầu tư là PVN và làm việc với phía Chính phủ Nga rất nhiều, trong nhiều cơ chế và nhiều diễn đàn.
“Sắp tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể hơn nữa của Chính phủ để chúng ta tiếp tục giải quyết vướng mắc”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lo ngại, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 liệu có trở thành một trong những dự án nghìn tỷ thua lỗ hay không. Ông Nhưỡng khẳng định, đây là một việc hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng đề cập đến dự án điện Bạc Liêu. Ông Nhưỡng cho rằng, Dự án điện Bạc Liêu phải được xem xét một cách cẩn trọng vì trong bối cảnh Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đang gặp khó khăn, cần phải tập trung vào Dự án điện Bạc Liêu để phục vụ cho đồng bằng sông Cửu Long.