ĐBQH LÒ THỊ LUYẾN: TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM 2024

Cử tri cả nước luôn dõi theo hoạt động của Quốc hội đặc biệt là hoạt động giám sát tối cao. Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung, của Đoàn đại biểu Quốc hội nói riêng.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến

Phóng viên: Bà có đánh giá thế nào về kết quả triển khai kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Tôi cho rằng, kết quả triển khai kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đã đạt kết quả rất tốt. Quá trình tổ chức thực hiện được thuận lợi vì các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đơn vị được giám sát được quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian giám sát một cách tổng thể có hệ thống.

Tôi cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận thấy, việc thực hiện Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên, khẳng định vị thế, vai trò hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đối với kế hoạch và chương trình giám sát tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, tôi thấy rằng, ngay từ khâu lựa chọn chuyên đề giám sát đã được Quốc hội rất quan tâm, khi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đề xuất (những chủ đề được đề xuất chỉ có duy nhất 1 ý kiến hoặc có nhiều ý kiến) thì đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, xem xét, lựa chọn trình ra Kỳ họp Quốc hội để đại biểu Quốc hội quyết định. Điển hình như Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 chính là do Đoàn đại bểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề xuất (duy nhất 1 ý kiến) vì qua thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên của giai đoạn trước chúng tôi nhận thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ, hết giai đoạn mới tổng kết đánh giá, nhiều nội dung nếu được triển khai tốt đáng lẽ sẽ tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương nhưng đã bị mất đi cơ hội do vướng mắc, khó khăn không được kịp thời tháo gỡ. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã đề xuất Quốc hội giám sát tối cao để đánh giá giữa kỳ việc tổ chức thực hiện các chương trình trong giai đoạn này, nếu có những khó khăn, vướng mắc thì cần được tháo gỡ kịp thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện có kết quả, đạt mục tiêu của Chương trình.

Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch và chương trình giám sát năm 2023 cũng được Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị chu đáo, công phu, bài bản. Kế hoạch, đề cương chi tiết, tỉ mỉ, toàn diện. Tổ công tác, Đoàn giám sát đến trực tiếp giám sát tại các đơn vị, địa phương.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương về các chuyên đề giám sát theo kế hoạch của Quốc hội đều được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ. Qua theo dõi, nhiều nội dung về kết quả tổ chức thực hiện và những tồn tại hạn chế, vướng mắc khó khăn, những kiến nghị, đề xuất trong báo cáo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã được Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đưa vào báo cáo giám sát, nhất là báo cáo giám sát việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, trong quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, về chuyên đề giám sát: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” những vấn đề khó khăn từ thực tiễn cuộc sống và những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách từ quá trình tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương đã được các đại biểu phát biểu và được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, quan tâm, tiếp thu. Cá nhân tôi thấy rất vui và cảm thấy có năng lượng tích cực để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của 1 người đại biểu.

Phóng viên: Qua tiếp xúc cử tri, xin bà cho biết cử tri cảm nhận và đánh giá thế nào về hoạt động giám sát của Quốc hội?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Tôi thấy rằng, cử tri cả nước luôn dõi theo hoạt động của Quốc hội đặc biệt là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Nhiều cử tri bày tỏ sự tin tưởng và vui mừng vì qua giám sát, những vấn đề khó khăn của địa phương được Quốc hội lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu và có cơ chế giải quyết kịp thời.

Ví dụ như những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng. Năm 2020 trở về trước, nhiệm vụ tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và do ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí mua sắm vắc xin, Bộ Y tế cung ứng cho các địa phương theo kế hoạch tiêm chủng hàng năm. Năm 2021 và 2022 kinh phí mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được Quốc hội giao Chính phủ cân đối từ ngân sách trung ương, năm 2023 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin tại các địa phương trong năm 2023.

Sau giám sát tối cao và qua ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận tại kỳ họp 5, nội dung này đã được đưa vào nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội đó là “bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước”. Nội dung này đã tháo gỡ toàn bộ những khó khăn cho các địa phương và đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới.

Hoặc là những ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp thu. Nếu tới đây Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết quy định về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thì các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách sẽ rất phấn khởi và chắc chắn rằng nguồn vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần tạo đà và cơ hội để thúc đẩy kinh tế xã hội vùng khó khăn phát triển hơn.

Phóng viên: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung, của Đoàn đại biểu Quốc hội nói riêng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, bà có kiến nghị gì?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Đối với nội dung triển khai kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội năm 2024, đến nay các Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã ban hành kế hoạch giám sát và đề cương chi tiết gửi các địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát, kế hoạch giám sát để giám sát trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung, của Đoàn đại biểu Quốc hội nói riêng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Hoạt động giám của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về quy trình, thủ tục tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị này nếu không tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Luật hiện hành chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về quy trình, thủ tục tiếp thu giải quyết kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nên việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời đối với các kiến nghị với các cơ quan chức năng tại địa phương và Trung ương trong các báo cáo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn gặp khó khăn.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát của Quốc hội; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chuyên đề giám sát để Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội có thể tham khảo, nghiên cứu, phục vụ cho hoạt động giám sát tại địa phương được tốt hơn.

Thứ ba, đề nghị tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho các vị đại biểu Quốc hội và công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vừa rồi, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kỹ năng giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (nhưng khi tổ chức hội nghị này thì các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đã giám sát xong rồi), tôi cho rằng nếu trước mỗi chuyên đề giám sát mà tổ chức được các hội nghị như thế thì sẽ giúp ích rất nhiều cho các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát.

Thứ tư, về điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nâng mức kinh phí chi trả chế độ đối với các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, công chức, chuyên viên tham gia, phục vụ đoàn giám sát để đảm bảo phù hợp với công sức, trí tuệ và yêu cầu công việc đặt ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83110