ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Cần rà soát lại quy định về quyền của viên chức trong tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong tham gia quản lý, góp vốn với doanh nghiệp

Sáng 20/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản đồng tình với tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp lần này là rất cần thiết và cấp bách, để vừa khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và cũng để cụ thể hóa nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân...; giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu có thêm một số ý kiến đó là:

Điều 4 về giải thích từ ngữ: Việc bổ sung giải thích về giá trị thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần; việc kê khai khống vốn điều lệ; tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Những nội dung này quy định khá nhiều nội hàm, nội dung quy định có thể vẫn còn cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, chưa thống nhất ví dụ như: giải thích giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần, là giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày hoặc giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định.

Như vậy, giá thị trường của phần góp vốn hoặc cổ phần được xác định bằng 1 trong 3 phương pháp, liệu 3 phương pháp này có chung 1 kết quả xác định giá hay không? Và khi áp dụng thì nên căn cứ vào phương pháp nào? Hay tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, dự thảo luật quy định “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”. Hoạt động tại địa bàn, địa chỉ đã đăng ký hay không, thì trong điều hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động không chỉ ở địa chỉ đăng ký, mà vươn ra rất nhiều địa bàn khác để hoạt động, các doanh nghiệp công nghệ, kinh doanh trên môi trường điện tử thì có thể hoạt động không có ranh giới, hoạt động xuyên quốc gia... Vì vậy, đề nghị cần phải rà soát lại việc giải thích từ ngữ ở một số nội dung ở khoản 14, 35, 36 để rõ ràng hơn, đảm bảo cho mọi người hiểu và áp dụng pháp luật một cách thống nhất hoặc những vấn đề này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu cũng đồng tình việc quy định bổ sung các quy định đối với: Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, ở các Điều 4, 23, 25, 31, 33 và 216, đồng thời cho rằng bổ sung nội dung các quy định này là rất cần thiết, để giúp cho chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố và tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Song đại biểu cũng đề nghị cũng cần phải quy định cụ thể hơn, để có thể nhận diện rõ ràng đối với chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, làm thế nào để xác định được người có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc quyền chi phối, điều hành, kiểm soát, ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề này đại biểu đề nghị cần rà soát lại các quy định của dự thảo, để bổ sung quy định xác định rõ ràng hơn chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp được quy định tại Điều 17: Dự thảo Luật bổ sung quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập. Quy định này sẽ mở ra nhiều cơ hội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao nghiên cứu khoa học tại các trường đại học vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Nhưng đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định về quyền của viên chức trong tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong tham gia quản lý, góp vốn với doanh nghiệp để đảm bảo có sự thống nhất giữa Luật Viên chức; dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới được Quốc hội thảo luận như: việc quy định dự thảo luật này mới chỉ quy định viên chức tại các cơ sở giáo dục đại học; dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì quy định quyền của viên chức là trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tức là viên chức ngoài các trường đại học, thì còn có viên chức công tác tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học... Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại để có những quy định thống nhất.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-can-ra-soat-lai-quy-dinh-ve-quyen-cua-vien-chuc-trong-tham-gia-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-trong-tham-gia-quan-ly-gop-von-voi-doanh-nghiep-249364.htm