ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa): Tăng tuổi phục vụ trong lực lượng vũ trang cần cụ thể theo từng đối tượng

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, ĐBQH Mai Văn Hải phân tích, lực lượng vũ trang với đặc thù công việc rất vất vả, đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Độ tuổi xấp xỉ 60 tuổi làm cảnh sát cơ động hoặc nằm vùng phức tạp, chiến đấu với các đối tượng buôn bán ma túy, tội phạm nguy hiểm thì rất khó có thể trấn áp được.

Theo đó, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ trong lực lượng vũ trang cần cụ thể theo từng đối tượng

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu thảo luận tại tổ

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu thảo luận tại tổ

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, thời điểm tăng tuổi phục vụ dự kiến tăng từ 1.1.2021 là không phù hợp, đề nghị nên áp dụng từ thời điểm luật này có hiệu lực. Tại Khoản 3, Điều 30 quy định cấp úy, thiếu tá, trung tá, thượng tá giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể kéo dài tuổi phục vụ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Đại biểu đề nghị không nên kéo dài vì những căn cứ cho kéo dài rất định tính: Có ai khẳng định được sức khỏe để làm thêm một số năm nữa? việc giỏi chuyên môn, nghiệp vụ cũng là những quy định định tính, dễ bị lợi dụng; điều kiện tự nguyện thì chắc chắn nhiều người tự nguyện; đủ phẩm chất thì đa số lực lượng công an đều đáp ứng? Bên cạnh đó, không nên quyết định kéo dài thêm tuổi trong khi đang thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ, lực lượng.

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy định cấp hộ chiếu phổ thông cho người không được phía nước ngoài cho cư trú nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân, quy định là vì lý do nhân đạo, lý do khẩn cấp thì nếu cơ quan đại diện Việt Nam có đủ cơ sở để xác định nhân thân và quốc tịch thì cấp. Theo đại biểu, đã là quy định của luật thì phải chắc chắn, không dùng cụm từ nếu có, cũng cần quy định cụ thể những trường hợp lý do nhân đạo, khẩn cấp.

Việc hủy hộ chiếu, quy định trong 48h khi bị mất thì công dân phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền để hủy. Điều này là không cần thiết, bởi việc khai báo trong thời điểm nào là quyền của công dân, Nhà nước không thể kiểm soát được. Đây là quy định trong điều luật cũ chưa sửa. Đại biểu cho rằng, khi nào công dân báo mất thì hủy, không cần quy định trong bao lâu

Về Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu cho rằng, việc cấp thị thực tại Điều 19, cần nghiên cứu mạnh dạn quy định việc cấp thị thực cho thực sự thông thoáng để phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Theo đó, đề nghị ngoài việc miễn thị thực theo hiệp định song phương, chúng ta cần nghiên cứu miễn thị thực đơn phương, tạo điều kiện cho công dân nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, đầu tư kinh doanh,..

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/dbqh-mai-van-hai-thanh-hoa-tang-tuoi-phuc-vu-trong-luc-luong-vu-trang-can-cu-the-theo-tung-doi-tuong-i330440/