ĐBQH nêu lại vụ Trương Mỹ Lan thao túng SCB khi góp ý Luật Công chứng (sửa đổi)

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Tham gia ý kiến, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị có quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp với 5 lý do, cụ thể:

Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng. Điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến Điều lệ doanh nghiệp khi thành lập, từ đó dẫn đến nhiều tranh chấp. Số lượng doanh nghiệp càng nhiều, tranh chấp càng có xu hướng tăng cao.

Ông Hà cũng cho rằng, thủ tục thành lập doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay quá dễ dàng và chưa bảo đảm chặt chẽ, tạo ra kẽ hở để lợi dụng vào các mục đích phi pháp. Hiện tượng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp bừa bãi để hợp thức hóa các hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường, làm quân xanh trong hoạt động đấu giá, đấu thầu xuất hiện thường xuyên gây mất trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến về Luật Công chứng (sửa đổi) tại cuộc họp tổ chiều 17/6

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến về Luật Công chứng (sửa đổi) tại cuộc họp tổ chiều 17/6

Ông Hà nêu thực tế, theo khảo sát hiện nay, chỉ cần có 1 bản sao căn cước công dân và 2 triệu đồng phí dịch vụ là có thể thành lập một doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp không cần xuất hiện, thậm chí không cần ký vào hồ sơ.

Đại biểu đoàn Hà Nội lấy dẫn chứng là vụ án điển hình Vạn Thịnh Phát, với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập khống hồ sơ vay vốn, thuê người đứng tên cổ phần… Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thao túng 95% cổ phần SCB và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng.

“Việc giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp diễn ra nhiều, đã có nhiều vụ án liên quan, để lại hậu quả lớn”, ông Hà nói.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp. Lý do nữa được đại biểu đoàn Hà Nội nêu là các quốc gia phát triển trên thế giới quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản trong nội bộ doanh nghiệp, điển hình là Nhật bản, Đức, Pháp…

Giải pháp để bảo đảm chất lượng công chứng

Tham gia ý kiến, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng vì khi kinh tế phát triển thì các giao dịch nhu cầu công chứng ngày càng tăng. Với sự quy định chặt chẽ như dự thảo Luật sẽ góp phần giúp cho kinh tế - xã hội phát triển.

Theo ông Hiếu, báo cáo của Học viện Tư pháp và Đại học Luật của Đại học quốc gia cho thấy, một công chứng viên trong một ngày làm nghiêm túc, khoa học chỉ công chứng được 8-10 hợp đồng công chứng. Tuy nhiên, hiện nay trên một số địa bàn ở Hà Nội có văn phòng công chứng mỗi ngày một công chứng viên công chứng 700 giao dịch, vậy không biết công chứng này làm cách nào với tốc độ nhanh và số lượng lớn như vậy? Nếu như thế thì chất lượng như thế nào?

Đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật lần này phải có thêm giải pháp để bảo đảm chất lượng công chứng: “Qua thực tế, có nhiều vi phạm trong hoạt động công chứng, tình trạng công chứng khống rất nhiều, người bán xe ô tô là bán qua công chứng hợp đồng ký sẵn. Chỉ cần chuyển cho người khác là đưa vào hợp đồng công chứng là xong. Như vậy, sẽ không kiểm soát được, hay công chứng mà không cần công chứng viên có mặt mà chỉ cần giao cho người trợ lý công chứng viên làm công chứng xong rồi về ký, chứ không có biện pháp nào để kiểm soát. Việc yêu cầu công chứng trong trụ sở hay ngoài trụ sở không thể giải quyết được vấn đề đó. Vì không ai có biện pháp để kiểm soát đảm bảo công chứng đang diễn ra tại trụ sở công chứng hay ngoài trụ sở công chứng”, ông Hiếu nói.

Do đó, theo đại biểu đoàn Nghệ An, dự thảo Luật lần này cần cân nhắc và bổ sung thêm các giải pháp như áp dụng kinh nghiệm của một số nước như khống chế số lượng tối đa của một công chứng viên theo thời gian.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Còn ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhất trí với nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với dự án Luật này.

Về đồng bộ các Luật liên quan, ông Lềnh cho biết một số quy định của Luật công chứng, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai... còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn thực hiện nên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét hoàn thiện và thống nhất các nội dung trên cho đồng bộ.

Chiều 17/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung: Xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng...

Dự thảo Luật cũng bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng.

Trong đó, tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề: Xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; Đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để có cơ sở thực hiện theo lộ trình;

Bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao Chính phủ thực hiện thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-neu-lai-vu-truong-my-lan-thao-tung-scb-khi-gop-y-luat-cong-chung-sua-doi-post1102136.vov