Người đặt camera ẩn quay lén Châu Bùi có thể đối mặt với hình phạt nào?

Không chỉ Châu Bùi hay các nghệ sĩ nữ, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc bị quay lén, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư, tạo thành tổn thương tâm lý khó lòng bù đắp...

Dư luận hiện đang đặc biệt quan tâm đến trường hợp fashionista Châu Bùi bị quay lén trong phòng thay đồ của một studio ở Quận 3, TP.HCM.

Trong buổi làm việc chiều 25/6 của Công an Quận 3 phối hợp cùng Công an phường Võ Thị Sáu, N.T.H. (24 tuổi) thừa nhận lắp đặt camera giấu kín trong nhà vệ sinh của studio. H. khai báo đây là lần đầu tiên thực hiện hành vi này.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ về động cơ, mục đích của đối tượng quay lén để xử lý theo quy định pháp luật.

Mẫu đồng hồ quay lén được Châu Bùi đăng tải trong bài viết trên Facebook cá nhân.

Mẫu đồng hồ quay lén được Châu Bùi đăng tải trong bài viết trên Facebook cá nhân.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín cho biết: “Thời gian qua, việc quay lén, chụp lén thậm chí là đăng tải các nội dung trên lên các trang mạng xã hội với mục đích câu like, câu view là vấn đề hết sức nhức nhối trong thời gian qua. Nghiêm trọng hơn, hành vi này còn được sử dụng để quay lại những hình ảnh nhạy cảm, bí mật riêng tư của một cá nhân nào đó và thực hiện vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền,…”.

Về sự việc nêu trên, theo Luật sư Phan Kế Hiền, quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chỉ rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý (ngoại trừ sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không gây ra tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh ,…).

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Dân Sự (BLDS) năm 2015 cũng quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cụ thể:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".

Do vậy, mọi cá nhân đều có đời sống riêng tư và có quyền bí mật cá nhân. Việc tự ý chụp ảnh, quay hoặc sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác được xem là thu thập, lưu giữ hình ảnh, thông tin riêng tư khi chưa được cho phép, xâm phạm các quyền cơ bản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ và là hành vi vi phạm pháp luật.

Với hành vi trên, pháp luật đã có những chế tài hết sức cụ thể. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, người có hành vi quay lén, chụp lén người khác có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín.

Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín.

Về mức phạt hành chính, nếu hành vi được phát hiện ngăn chặn kịp thời, đối tượng chưa sử dụng để đăng tải lên mạng internet, hành vi được xác định là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác” thì sẽ bị phạt tiền tới 3.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp hành vi được xác định là “sàm sỡ, quấy rối tình dục” thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Nghị định này.

Về trách nhiệm dân sự, Khoản 5 Điều 34 BLDS năm 2015 đã quy định nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và yêu cầu bồi thường.

Về xử lý hình sự, trường hợp quay lén người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, nếu đối tượng sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS với mức hình phạt từ 01 năm đến 20 năm tù.

Để bảo vệ bản thân, mỗi người nên luôn cảnh giác và giữ sự nhận thức về môi trường xung quanh, đặc biệt là ở những nơi công cộng và không gian riêng tư. Trong trường hợp phát hiện bị quay lén hoặc chụp lén, hãy báo cho nhân viên an ninh hoặc cơ quan chức năng có biện pháp xử lý vụ việc.

Ngọc Hân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/nguoi-dat-camera-an-quay-len-chau-bui-co-the-doi-mat-voi-hinh-phat-nao-c2a76960.html