ĐBQH nêu nghịch lý thiếu giáo viên nhưng vẫn giảm biên chế 'theo lộ trình'

Theo ĐBQH đoàn Lạng Sơn, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay đã có 2210/2216 kiến nghị được các cơ quan Nhà nước ở Trung ương xem xét, giải quyết trả lời, đạt 99,7%.

Tuy nhiên, theo các ĐBQH, nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành đã được tiếp thu, xem xét giải quyết, nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có kết quả. Để đánh giá thực chất hơn về kết quả và chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, nội dung trả lời cần được phân rõ ra 03 nhóm cụ thể: Những kiến nghị đã có kết quả giải quyết cuối cùng; Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng đang được xem xét, giải quyết; Những kiến nghị Bộ, ngành đang nghiên cứu, tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nêu cụ thể, có những kiến nghị đã được các bộ, ngành giải quyết nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

"Việc thiếu giáo viên so với định mức được giao ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học dẫn đến một số giáo viên phải giảng dạy trái chuyên môn. Do vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên", nữ đại biểu đoàn Lạng Sơn nói.

ĐB Hồng Thái cũng nêu tình trạng có kiến nghị khi được ban hành văn bản để giải quyết vướng mắc nhưng lại phát sinh vướng mắc mới trong quá trình giải quyết. Ví dụ như để giải quyết kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành văn bản thay Thông tư số 16/1017/TT-BGDDT. Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 20/2023/TT-BGDDT ngày 30/12/2023 Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc mới. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Phát biểu giải trình, làm rõ nội dung ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Bộ đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri tiếp tục kiến nghị, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.

Về ý kiến của đại biểu liên quan đến Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định này mới được ban hành năm 2016. Trong quá trình triển khai trong thực tế cũng có những điểm bất cập mà Bộ cũng đã nhận thấy, vì vậy, Bộ cũng đã tiến hành điều chỉnh Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu

Đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đã nêu kiến nghị của cử tri ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.

Nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo.

“Điều này sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới”, ĐB Minh Ánh nói.

Để đánh giá thực chất hơn về kết quả và chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, ĐB Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và trả lời nội dung kiến nghị của cử tri.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chi đạo, giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành thuộc Chính phủ.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-neu-nghich-ly-thieu-giao-vien-nhung-van-giam-bien-che-theo-lo-trinh-post1097117.vov