Học sinh, sinh viên khởi nghiệp: Không chỉ dừng lại ở phong trào

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tinh thần sáng tạo, năng động của thế hệ 'gen Z' đã góp phần làm cho phong trào khởi nghiệp trong giảng đường nở rộ.

Thống kê cho thấy, khởi điểm của phong trào khởi nghiệp và sau 6 năm tổ chức, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên (HSSV) với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu về gần 2.000 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và hơn 1.000 dự án đến từ các trường THCS, THPT trong toàn quốc. Rầm rộ là vậy nhưng sau mỗi cuộc thi, số lượng ý tưởng khởi nghiệp được triển khai và áp dụng trong thực tế lại khá khiêm tốn.

Không dễ chuyển ý tưởng khởi nghiệp để lập nghiệp

Chỉ sau 4 tháng phát động, Cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VI có hơn 700 ý tưởng được gửi đến, tăng 199 bài so với cuộc thi lần thứ V; có 80 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng bình chọn và chung kết. Số lượng tăng, nhưng sau cuộc thi, nhiều người lại băn khoăn: Những ý tưởng, sản phẩm đoạt giải cao rồi sẽ ra sao?

Không phủ nhận tính khơi mở tinh thần khởi nghiệp cho HSSV qua mỗi cuộc thi, nhưng theo TS Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, qua kinh nghiệm các cuộc thi ở Cà Mau cho thấy, có trường hợp khởi nghiệp trong HSSV chỉ là phong trào. “Sau khi các sinh viên đoạt giải dự án khởi nghiệp, tỉnh Cà Mau có chính sách khuyến khích các bạn về lập nghiệp, nhưng khi tỉnh liên hệ thì có bạn nói chỉ tham gia cho vui”, Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn dẫn chứng.

 Quầy trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024.

Quầy trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024.

Bên cạnh đội ngũ "thi cho vui" cũng có người tâm huyết với ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường dài với nhiều rào cản. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một dự án khởi nghiệp thường có 3 giai đoạn chính: Hình thành ý tưởng; thiết lập, tổ chức vận hành và cuối cùng là đưa sản phẩm ra đời sống. Hầu hết HSSV đều làm tốt giai đoạn đầu.

Nhưng có người đi đến đích, có ý tưởng lại nằm im trên giấy bởi khó ứng dụng vào thực tế. “Sản phẩm có khả thi hay không, có tương lai phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, hạn chế của các bạn sinh viên là thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý... Thiếu vốn, sản phẩm không được hoàn thiện cũng như không được quảng bá ra thị trường. Bên cạnh đó, khó khăn về máy móc, kỹ thuật sản xuất cũng ảnh hưởng khá nhiều đến ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ”, PGS, TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Là giảng viên hướng dẫn khởi nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ, thầy Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học thẳng thắn nhìn nhận, rào cản của khởi nghiệp còn nằm ở đội ngũ giáo viên. Theo thầy Khôi: “Thời gian qua, các cơ sở đào tạo trên cả nước đã hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp. Thế nhưng đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu còn ít. Tâm lý ngại rủi ro vẫn còn trong cả đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và đội ngũ chuyên gia. Từ đó, khó truyền được cảm hứng và khơi nguồn sáng tạo khởi nghiệp cho HSSV”.

Xây nền móng vững chắc từ nhà trường

Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, hầu như HSSV khởi nghiệp có lòng nhiệt huyết nhưng nguồn lực không có nên rất khó khăn. “Do đó, hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp không chỉ trong nhà trường mà cần gắn kết với nhiều đơn vị như doanh nghiệp, vườn ươm, ngân hàng, quỹ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước... để hỗ trợ các em phát triển ý tưởng”, ông Quốc chia sẻ.

Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực hóa nguồn tri thức, góp phần tạo giá trị cho cộng đồng, xã hội. Vì thế, để giúp HSSV vững bước khởi nghiệp, đầu tiên, cần xây dựng nền tảng vững chắc từ nhà trường.

Việc đưa nội dung dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Tinh thần khởi nghiệp ở các trường phải bắt đầu từ xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nội dung dạy và học, hoạt động nghiên cứu khoa học và phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên.

Trong buổi tọa đàm diễn ra tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ở đâu người thầy tham gia nhiều trong kết nối, chuyển giao sản phẩm thì ở đó sinh viên được thúc đẩy, truyền cảm hứng khởi nghiệp trong thực tế. “Đối với các trường, kể cả chương trình chính thức hay bổ trợ, cần lưu ý quan tâm tới trang bị kỹ năng để tỷ lệ khởi nghiệp thành công cao nhất, giảm “vấp ngã”. Mục tiêu rất cao của khởi nghiệp là thành công sớm nhưng không thỏa mãn và thất bại cũng không nản chí. Để làm được điều đó, các trường đại học cần có nhiều sự chuẩn bị, trong đó bao gồm cả chuẩn bị về kỹ năng cho HSSV”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp trong HSSV là điều quan trọng, góp phần tiếp thêm nghị lực đi đến thành công. Vì thế, cùng với đội ngũ giáo viên, các trường cần thường xuyên mời những người có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh để chia sẻ cho HSSV. Bài giảng nên được kết hợp và thực hiện bởi giảng viên đến từ các doanh nghiệp, qua đó tăng tính thực tế và truyền đạt kinh nghiệm giúp các em khởi nghiệp thành công hơn. Mặt khác, với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, có tri thức và nguồn khởi nghiệp chuyên nghiệp chất lượng cao, cần có sự đầu tư bài bản của Nhà nước, sự vào cuộc và kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Đặc biệt, cần kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương và mong muốn, nhu cầu của người dân; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng những sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, bảo đảm học đi đôi với hành.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-khong-chi-dung-lai-o-phong-trao-post385722.html