ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC: CẦN LÀM SAO TỰ CHỦ PHƯƠNG TIỆN VŨ KHÍ PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH ĐỂ HẠN CHẾ TỚI MỨC THẤP NHẤT PHẢI NHẬP KHẨU TỪ BÊN NGOÀI

Góp ý vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp , Trung tướng Nguyễn Minh Đức, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh mới, cần quy định để lực lượng vũ trang Việt Nam có thể làm chủ và tự chủ phương tiện vũ khí phục vụ quốc phòng, an ninh để hạn chế tới mức thấp nhất phải nhập khẩu từ bên ngoài.

Do diễn biến của tình hình thế giới cũng như phân tích, dự báo trong tương lai thì vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền từ sớm, từ xa. Đó là một yêu cầu, nhiệm vụ tối quan trọng, đặc biệt là chúng ta phải có đủ sức để làm sao làm chủ và tự chủ để hạn chế tới mức thấp nhất phải nhập khẩu phương tiện, vũ khí từ phía bên ngoài. Trao đổi với Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh xung quanh dự án Luật Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa Trung tướng, trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp?

Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cấp Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp thành Luật là rất quan trọng, tạo thành hành lang pháp lý và cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc chúng ta phát triển tốt nhất ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng như động viên công nghiệp để phục vụ cho việc bảo vệ Tổ quốc. Trong thực tế hiện nay, quan trọng nhất là làm thế nào đáp ứng bố trí đủ các nguồn ngân sách để đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, sản xuất, chế tạo và phát triển các loại vũ khí cũng như các phương tiện quân sựm đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó phải tiếp tục huy động từ nguồn lực từ bên ngoài, nguồn lực từ trí tuệ của tất cả toàn dân trong và ngoài nước để làm sao nghiên cứu phục vụ cho việc phát triển sức mạnh công nghiệp quốc phòng. Đấy là những vấn đề trọng tâm, dự án Luật này cần tính toán, quy định đầy đủ, đảm bảo tính khả thi trong Luật, rất cần các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.

Vấn đề đầu tiên là công nghiệp quốc phòng. Qua khảo sát thực tiễn, vấn đề ngân sách đầu tư cho công nghiệp quốc phòng phải được xứng đáng và xứng tầm như thế nào trên cơ sở các quy định của pháp luật, nếu không có quy định pháp luật thì rất khó. Nhưng việc đầu tư trong dự thảo luận này được quy định phải thống nhất với vấn đề nào? Đó là ngoài đặc thù ra thì trên cơ sở phải thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng vốn của nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các luật khác có liên quan.

Vấn đề thứ hai là mô hình tổ chức, trong dự thảo Luật có đề xuất mô hình tổ chức “tổ hợp công nghiệp quốc phòng” đó là một tổ hợp mang tính trung tâm, có đủ sức mạnh để nghiên cứu, sản xuất và tập trung cả nguồn lực và trí tuệ của con người. Mô hình tổ chức đó như nào? Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế và thực lực của Việt Nam để chúng ta xây dựng trong luật này. Vấn đề nữa đó là đối với các công nghiệp trọng điểm hay công nghiệp mũi nhọn của quốc phòng thì cần phải được ưu tiên như thế nào và gắn với tính đặc thù trên cơ sở thực tế của nó, trong dự thảo luật đã có quy định.

Đối với vấn đề công nghiệp lưỡng dụng, đây là một vấn đề được cụ thể hóa trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong Hiến pháp cũng như trong Luật Quốc phòng. Vừa qua, trong Luật Phòng thủ dân sự, Luật Công trình quốc phòng và khu quân sự đều có những điều khoản quy định những vấn đề lưỡng dụng, trong nội dung của dự thảo luật này cũng tính toán đến những vấn đề lương dụng để làm sao kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế - kinh tế với quốc phòng. Một trong những tiêu chí là nếu những gì mà công nghiệp quốc phòng đã làm rồi thì công nghiệp an ninh thôi không làm nữa, bởi vì tính lưỡng dụng và tạo thành tổ hợp. Công nghiệp an ninh là một ngành công nghiệp trẻ, nhưng trong thời bình hiện nay các thế lực thù địch đang tận dụng sản phẩm của công nghệ 4.0 với những sản phẩm hiện đại nhất hiện nay để có thể sử dụng mặt trái đó để thực hiện những hành vi xâm phạm an ninh, phá hoại chế độ chính trị cũng như phá hoại nền an ninh của đất nước. Chính vì vậy, cần phải có lực lượng an ninh, lực lượng công an được trang bị những phương tiện, vũ khí để làm sao đáp ứng được yêu cầu để phối hợp cùng với quân đội, đó là 2 lực lượng vũ trang để làm sao bảo vệ được Tổ quốc tốt nhất.

Do vậy, mỗi một ngành đều có những đặc thù, đặc biệt là lực lượng an ninh có những phương tiện mang tính đặc thù, quân đội có tính đặc thù của quân đội. Chính vì thế cho nên phải phát triển ngành công nghiệp an ninh này gắn với đặc thù, phải được đầu tư để ngành công nghiệp này phát triển đáp ứng yêu cầu đó. Ví dụ như về phòng cháy có các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Hiện nay bên quân đội có hẳn Cục Cứu hộ cứu nạn, cũng có những trang bị như vậy nhưng lại đáp ứng yêu cầu theo tính chất của Trung tâm Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn quốc gia. Nhưng lực lượng phòng cháy, chữa cháy là chữa cháy cho dân, trên thế giới rất nhiều phương tiện hiện đại nhưng chúng ta chưa có, nếu chúng ta phải mua thì rất đắt tiền, ngân sách của Nhà nước rất eo hẹp, cho nên nếu phát triển sản xuất được rất là tốt. Hoặc là những thiết bị để phục vụ cho vấn đề đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Con người chúng ta rất tài năng, thế hệ trẻ chúng ta rất giỏi. Cho nên chúng ta nên có chính sách thu hút được lực lượng này và nếu như có một sân chơi, đó là ngành công nghiệp an ninh trong lĩnh vực này để thu hút được các nhân tài, thì sẽ phát triển rất tốt, sản xuất ra những phần mềm, những thiết bị để phục vụ cho việc bảo vệ an ninh trên không gian mạng. Đấy là vấn đề về công nghiệp an ninh, chưa nói những vấn đề khác.

Phóng viên: Thưa Trung tướng, với tầm quan trọng của động viên công nghiệp trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ cơ chế nào để các lực lượng sản xuất công nghiệp ngoài quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ được cho quân đội và lực lượng vũ trang?

Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Về động viên công nghiệp, trong thời bình cũng cần phải kết hợp, huy động được và chuyển sang trạng thái theo quy định của Luật Quốc phòng hoặc khi đất nước chuyển sang tình trạng chiến tranh. Vì vậy rất cần những diễn tập về động viên ngành công nghiệp, sẵn sàng để có thể hỗ trợ cho quân đội, lực lượng vũ trang để chúng ta tác chiến một cách tốt nhất.

Hiện nay có mấy điểm vướng trong vấn đề trong thực hiện đối với các doanh nghiệp, các đơn vị quân đội cũng như của Công an thực hiện theo mô hình là vừa quốc phòng, vừa kinh tế, vừa quân sự là sẽ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật đặc biệt những đơn vị vừa quốc phòng, vừa kinh tế lại có những đơn vị phải tổ chức theo mô hình Tổng công ty, tập đoàn dưới góc độ điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý sử dụng vốn, chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách, Luật thuế các loại thuế nhưng mục đích và sản phẩm lại được ra đời để làm sao phục vụ cho quốc phòng. Vì vậy đầu vào và đầu ra cần được tính toán rất kỹ, bởi đối với những con người làm việc trong các cơ sở này, lại có một bộ phận chịu sự điều chỉnh của Luật Quốc phòng, Luật sĩ quan Quân đội, Luật sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, Luật Công nhân Quốc phòng và lại điều chỉnh theo Luật Lao động nữa? Vậy cần tính toán kỹ lưỡng vấn đề này để những Tổng công trình sư, là những chuyên gia, những kỹ sư, được điều chỉnh trong dự thảo Luật này có nhất thiết phải phù hợp với các quy định của Luật Lao động hay không? Luật Sĩ quan quân đội hay không? Đây là nhưng bài toán đặt ra trong thực tiễn để giữ chân những người có trình độ, đem lại rất nhiều những lợi ích kinh tế cho đất nước

Trong khi, hiện nay động viên công nghiệp, bắt buộc phải có quy hoạch. Sau khi quy hoạch xong thì mới được duyệt, ra quyết định, để trang bị dây chuyền hoặc những thiết bị để đơn vị đó thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó đã hoạt động theo góc độ của Luật Doanh nghiệp và các luật khác, khi được trang bị như vậy, nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập hoặc mua, vẫn chịu giá từ thuế nhập khẩu, các loại thuế nhưng sản phẩm ra được chuyển giao cho quốc phòng thì lại không được bán thì không được hoàn thuế. Đây là câu chuyện cũng phải tính toán.

Vấn đề thứ 2 đặt ra là, nếu các doanh nghiệp đó có thể một ngày nào đó không may họ rơi vào tình trạng phá sản, họ được giải quyết theo thủ tục của Luật Phá sản. Khi giải quyết theo thủ tục của Luật Phá sản thì dây chuyền mà quân đội đã đầu tư vào đó thì cuối cùng giải quyết theo góc độ nào? theo góc độ liên quan đến vấn đề xử lý tài sản công, liên quan đến vấn đề phá sản. Đây cũng là một bài toán được đặt ra cần ý kiến đóng góp của các Quốc hội để làm sao đảm bảo chất lượng dự án Luật mang tính khả thi nhất

Phóng viên: Xin cảm ơn Trung tướng.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82172