ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh ( Lào Cai): Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở
Đây là kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) tại Phiên thảo luận ở Hội trường chiều nay, 29.5 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngành y tế vẫn thiếu cán bộ sau đại dịch Covid-19
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều nay, 29.5, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng: Nội dung chuyên đề giám sát “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” của đoàn giám sát Quốc hội là hết sức cần thiết khi dịch Covid-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm, nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch đã được triển khai thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu cho rằng: kết quả giám sát lần này Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện hơn những bất cập khi dịch bệnh xảy ra cũng như công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng để từ đó cũng có những chỉ đạo và chính sách đúng đắn vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân vừa góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh: Qua nghiên cứu báo cáo giám sát của Quốc hội và thực hiện giám sát thực tế tại địa phương cho thấy: Số lượng nhân viên y tế cơ sở chưa được bố trí đủ theo định mức biên chế quy định nhưng hàng năm vẫn phải thực hiện tinh giảm 10% số lượng biên chế hiện có, bên cạnh đó tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc gia tăng nhất là sau giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo báo cáo số lượng bác sĩ tại các trạm y tế xã có xu hướng giảm 2.238 người, riêng năm 2020 số bác sĩ giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019), tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế giảm xuống còn 71% năm 2020.
Ngoài các tồn tại và nguyên nhân như báo cáo giám sát của Quốc hội đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị: cần quan tâm hơn nữa đến chính sách thu hút nhân lực làm việc tại y tế cơ sở, bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ, có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Điều này vô hình chung sẽ dẫn đến nguy cơ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó có khả năng được tiếp cận với y tế, nguy cơ tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở những vùng này. "Mặc dù có những địa phương đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đội ngũ y bác sĩ xin chuyển vùng diễn ra phổ biến"- đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần tại Nghị định 141/2020 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, theo nghị định này thì người thuộc đối tượng cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn, như vậy thì các đối tượng thuộc các xã đạt chuẩn Nông thôn mới lại không thuộc đối tượng này (nông thôn mới nhưng đời sống người dân vẫn nghèo), trong khi đó điều kiện tiêu chuẩn đầu vào ngành y rất cao. Do vậy, có những địa phương hàng năm không có học sinh nào được cử tuyển dẫn đến việc người địa phương được đào tạo để quay về công tác lâu dài khó thực hiện. Trong khi đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì sau khi sáp nhập thôn, bản (thuộc các xã) thì các thôn, bản mới sáp nhập cơ bản có diện tích và quy mô dân số tăng, địa bàn rộng, việc đi lại làm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn, bản càng khó khăn hơn, mất rất nhiều thời gian nhưng phụ cấp cho đội ngũ này lại thấp nên việc thiếu đội ngũ y tế là khó tháo gỡ.
Đề xuất nâng chế độ phụ cấp trực cho nhân viên y tế
Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh kiến nghị một số giải pháp để chính sách thu hút nhân lực làm việc trong ngành y tế đạt được như mục tiêu đặt ra. Cụ thể, cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kể cả các xã đã về đích nông thôn mới để người học thuộc các địa bàn khó khăn, vùng cao vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận môi trường học tập nhất là ngành y.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nâng chế độ phụ cấp trực cho nhân viên y tế quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 28.12.2011. Hiện chế độ phụ cấp trực tại các tuyến quá thấp, đặc biệt trạm y tế xã (mức hiện hưởng nay là 18.750 đồng ngày thường, 40.000đ ngày thứ 7, chủ nhật (trong đó có 15.000đ là tiền ăn trưa), đồng thời tăng phụ cấp cho nhân viên Y tế thôn bản từ mức 0,5 mức lương cơ sở (theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5.2009) lên mức 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng.
Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn mà chưa được chuyển vùng hoặc không có nguyện vọng chuyển vùng để đội ngũ y tế cơ sở yên tâm công tác lâu dài tại các địa phương (nghị định 76/2019CP)- đại biểu đề xuất.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh cũng đánh giá công tác khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở còn thấp trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn dẫn đến mất cân đối thu chi, gây khó khăn cho hoạt động nhất là trong giai đoạn từng bước tự chủ về tài chính. Do vậy, đề nghị chính phủ xem xét nâng mức hạn mức đóng BHYT, từ đó tăng hạn mức chi của quỹ BHYT để các cơ sở y tế có nguồn lực thực hiện được việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.