ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG HỢP HỦY KẾT QUẢ ĐẤU GIÁ

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đại biểu Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo Luật cần rà soát quy định về hủy kết quả đấu giá để đảm bảo thống nhất với Luật Đấu giá tài sản hiện hành.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: VÌ MỤC TIÊU ĐEM LẠI CUỘC SỐNG ẤM NO, BÌNH ĐẲNG CHO NHÂN DÂN

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Bà có đánh giá như thế nào về hồ sơ và sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Tôi cho rằng, tính cần thiết về việc sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là xác đáng khi đặt trong sự đồng bộ xây dựng và ban hành các luật liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Việc ban hành Luật sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phóng viên: Nội dung về hủy kết quả đấu giá tài là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, quan điểm của bà thế nào?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Về nội dung này, tôi cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung như khoản 4 của Điều 72 là chưa đầy đủ. Vì trong thực tế còn trường hợp sau khi đấu giá và có quyết định công nhận kết quả đấu giá, nhưng người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền theo quy định dẫn đến tài sản đấu giá không thành công.

Theo đại biểu Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo Luật cần rà soát quy định về hủy kết quả đấu giá để đảm bảo thống nhất với Luật Đấu giá tài sản hiện hành

Theo đại biểu Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo Luật cần rà soát quy định về hủy kết quả đấu giá để đảm bảo thống nhất với Luật Đấu giá tài sản hiện hành

Do vậy, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về hủy kết quả trúng đấu giá tài sản đối với trường hợp: “Người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” cho thống nhất với điểm b khoản 2 Điều 48 Luật Đấu giá hiện hành quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá (“Thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan”) và khoản 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định (“Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”).

Phóng viên: Đối với nội dung về đăng ký tham gia đấu giá quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo phù hợp chưa, thưa bà?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Đối với quy định được bổ sung tại khoản 2a về đấu giá quyền sử dụng đất, tôi cho rằng, cần điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức hành nghề đấu giá: kiểm tra, rà soát thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ khi đầy đủ thành phần theo quy định, thực hiện niêm phong gửi cho người có tài sản. Vì tổ các chức hành nghề đấu giá mới đáp ứng đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và cần được phát huy trách nhiệm một cách khách quan, công bằng. (Người tham gia đấu giá nộp 02 bộ hồ sơ, tổ chức hành nghề đấu giá kiểm tra, rà soát thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ khi đầy đủ thành phần theo quy định. Sau đó thực hiện niêm phong gửi cho người có tài sản trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định bổ túc hồ sơ và ấn định thời hạn đối với thành phần hồ sơ đảm bảo các điều kiện, tiêu chí cứng tham gia đấu giá để tạo điều kiện, thu hút người tham gia đấu giá có năng lực tài chính, có năng lực đầu tư. Vì trong thục tế đã có trường hợp người tham gia đấu giá có năng lực tài chính và các vấn đề quan trọng khác nhưng do chỉ thiếu một số giấy tờ phụ trợ nên bị loại hồ sơ gây thiệt thòi cho họ và cũng không thúc đẩy được việc thu hút nguồn lực của chúng ta. (Sau khi người có tài sản tổ chức xét duyệt hồ sơ của người tham gia đấu giá, đối với trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ nhưng đảm bảo các điều kiện, tiêu chí tham gia đấu giá thì thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá đề nghị người tham gia đấu giá bổ sung chậm nhất là 02 - 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá).

Đặc biệt, cần rà soát khoản 3 và đối chiếu với khoản 4 điều 38 của Luật Đấu giá tài sản 2016 để làm rõ nội hàm: “Những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá” của khoản 4 có được xem là “…các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này…” của khoản 3 hay không. Nếu không thì phải bổ sung quy định về Điều kiện đăng ký tham gia đấu giá để thể hiện tính chặt chẽ, toàn diện. Nếu có thì cũng phải sửa đổi khoản 3 cho tương thích với khoản 4.

Theo tôi, các quy định ở khoản 4 là những điều kiện loại trừ của việc quy định đăng ký tham gia đấu giá tài sản chứ chưa phải là điều kiện cần và đủ đối với việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản.

Phóng viên: Liên quan đến việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, bà có đánh giá thế nào?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Về nội dung này, tôi đề nghị bổ sung thời hạn ra quyết định hủy Giấy Đăng ký hoạt động đã cấp của Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũ bằng cụm từ “trong vòng 03 ngày” trước cum từ “sau khi nhận” trong câu cuối của đoạn 2 thuộc điểm b khoản 6 của dự thảo Luật này để làm rõ chức năng, trách nhiệm, không để chậm trễ và không chồng chéo trong quản lý. Cụ thể: “Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũ phải ra quyết định hủy Giấy đăng ký hoạt động đã cấp trong vòng 03 ngày sau khi nhận được thông báo cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp của Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83453