ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT NHỮNG KẾT QUẢ, YÊU CẦU ĐÃ ĐƯỢC CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ, CHỨC NĂNG CÔNG BỐ

Để thực hiện hiệu quả 2 chuyên đề giám sát năm 2024, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm: Trước, trong và sau quá trình giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội cần lưu ý những kiến nghị, đề xuất phải bám sát từ thực tiễn. Ngoài giám sát những việc đã triển khai thì Đoàn cần tăng cường giám sát những kết quả, yêu cầu đã được các cơ quan quản lý, chức năng công bố.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đối với 2 nội dung rất quan trọng, gồm: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Để có thêm đóng góp vào những chuyên đề giám sát trên được hiệu quả, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu có nhận định và cho biết những vấn đề quan tâm trong 2 chuyên đề giám sát này?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đối với 2 nội dung rất quan trọng, gồm: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Tôi ủng hộ việc Quốc hội thông qua 2 chuyên đề giám sát năm 2024. Từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, nhiều địa phương đã triển khai việc hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, ổn định cuốc sống, đảm bảo an sinh xã hội và việc làm…

Toàn cảnh Quốc hội thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Toàn cảnh Quốc hội thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Vấn đề khiến tôi quan tâm trong chuyên đề giám sát trên là hoạt động, chất lượng của các tổ chức tín dụng; vốn giải ngân, vốn cho vay; tỷ lệ nợ xấu hiện tại ở các ngân hàng và các phương án cho vay được phân tích, định hướng như thế nào. Ngoài ra, bộ máy của các tổ chức tín dụng được tinh giản, cải cách được đánh giá, bàn luận cải tổ trong thời gian tới ra sao…

Đối với chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, tôi quan tâm đến giải pháp hữu hiệu trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khi nhà chung cư xuống cấp phải sửa chữa, cải tạo. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đã được triển khai như thế nào; giá cả nhà ở xã hội để người dân với thu nhập thấp có thể sở hữu được cũng là vấn đề cần được làm rõ hơn.

Về nhà ở thương mại đã được gắn quy hoạch chưa và sau khi đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì đã được bán hết chưa? Bởi nếu nhà ở thương mại chưa được bán hết thì sẽ làm ngưng đọng nguồn vốn của các nhà đầu tư.

Phóng viên: Với những nội dung quan tâm như trên, đại biểu có ý kiến, đề xuất như thế nào đối với các địa phương, Bộ ngành trong quá trình triển khai 2 chuyên đề giám sát?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Đối với chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, tôi cho rằng, các Bộ ngành, địa phương cần có sự rà soát việc sử dụng nguồn vỗn hỗ trợ đã thực sự đúng đối tượng, mục đích chưa. Các dự án quan trọng quốc gia đã được tính toán, xem xét kỹ lưỡng về mức đầu tư, tiến độ thực hiện như thế nào.

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Về chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, tôi có ý kiến là những chung cư đã xây dựng lâu năm, nay xuống cấp, sụp đổ thì cần tính toán thời hạn sử dụng. Điều này cũng nhằm tránh nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, giá trị đất đai, tài sản của các khu chung cư xây dựng lâu năm cũng cần được xác định rõ hơn.

Đối với nhà ở xã hội, các chính sách liên quan đến đối tượng được mua nhà, được vay tiền mua nhà cần được làm rõ trong quá trình giám sát. Theo tôi, cần có một nguồn quỹ để phục vụ cho quá trình bảo trì, xây dựng và phát triển nhà ở xã hội để cho việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo loại hình nhà ở này hoạt động một cách bền vững. Việc thu hút nguồn kinh phí đóng góp vào quỹ có thể từ sự kêu gọi đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Những tổ chức, cá nhân đóng góp vào quỹ này cũng có thể được hưởng lợi bằng việc sở hữu, mua bán nhà chung cư hoặc được ưu đãi khi đầu tư vào nhà ở xã hội.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024.

Với nhà ở thương mại, tôi cho rằng, các chủ đầu tư và các đơn vị hữu quan cần có sự rà soát kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu thực tế trên thị trường, tránh tình trạng “lúc nóng, lúc lạnh” thất thường dẫn đến nguồn vốn không thể khơi thông.

Phóng viên: Để công tác giám sát 2 chuyên đề trên thực sự hiệu quả, giải quyết kịp thời được những bất cập phát sinh thì trong quá trình triển khai, Đoàn giám sát cần chú trọng tới những nhiệm vụ gì, thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Trước tiên, Đoàn giám sát của Quốc hội cần bám sát đề cương giám sát các chuyên đề. Trước, trong và sau quá trình giám sát thì những kiến nghị, đề xuất phải bám sát từ thực tiễn. Thông thường, các địa phương sẽ báo cáo tình hình hoạt động, triển khai nội dung được giao mà có những tồn tại, vướng mắc từ phía trách nhiệm của cá nhân, tổ chức một cách chung chung, chưa được xác định kỹ lưỡng, rõ ràng. Do vậy, Đoàn giám sát của Quốc hội cần làm rõ hơn những nội dung đó cũng như tăng cường giám sát hoạt động của các Bộ ngành, địa phương đã triển khai thời gian qua như thế nào; đồng thời tăng cường giám sát những kết quả, yêu cầu đã được các cơ quan quản lý, chức năng công bố.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=77785