ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) : Gỡ những nút thắt để nền kinh tế phục hồi, phát triển
Đó là một trong những ý kiến góp ý về phát triển KT-XH của ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tại thảo luận tổ số 13 (đoàn Hậu Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Lạng Sơn), ngày 25.5.
Doanh nghiệp khó khăn kéo phục hồi kinh tế đi xuống
Tại Kỳ họp thứ Năm, các đại biểu Tổ 13 gồm các đoàn Hậu Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Lạng Sơn đã tiến hành thảo luận các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Đồng thời thảo luận việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam.
Tại phiên thảo luận tổ, các dại biểu đã đánh giá cao những kết quả đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo báo cáo, trong bối cảnh rất khó khăn, 13/15 chỉ tiêu kinh tế đã đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch gồm chỉ tiêu về việc thực hiện Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu.
Thẳn thắng chỉ ra tồn tại về việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế còn chưa đạt kỳ vọng, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân cho biết, mặc dù hiện nay nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hồi phục các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có việc tung ra các gói vay vốn với lãi suất ưu đãi, song nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Các doanh nghiệp phải trải qua đại dịch Covid – 19 đồng thời chịu tác động rất mạnh từ những thay đổi từ thế giới, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa tiếp nguồn tín dụng ngân hàng nên sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ. Nhiều doanh nghiệp hiện phải bán tài sản để trả nợ thậm chí còn buộc tuyên bố phá sản. "Chính việc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp phá sản đã kéo hoạt động phục hồi kinh tế của địa phương, của cả nước đi xuống"- đại biểu nhấn mạnh.
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Theo đại biểu Xuân, để gỡ nút thắt về tín dụng, bên cạnh lãi suất, nhiều doanh nghiệp đề xuất tạo điều kiện cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh. Đại biểu Xuân cũng đưa ra khuyến cáo từ Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần giám sát chặt chẽ khu vực tài chính khi bối cảnh toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại. Bà Xuân cho rằng cần nhanh chóng tìm ra giải pháp, đặc biệt là sử dụng các công cụ chính sách về kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ… từ đó khuyến khích nền kinh tế phục hồi một cách mạnh mẽ.
Về lĩnh vực lao động, việc làm, đại biểu Xuân cũng nêu thực tế: Trước đây, tăng ca trở thành nỗi ám ảnh của công nhân. Tăng ca làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống nhưng hiện nay, nhiều công nhân lại mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập trong thời kỳ khó khăn. Không tăng ca đồng nghĩa với việc công nhân chỉ nhận lương cơ bản và khó có thể đủ sống. Do đó nhiều người sẵn sàng từ chối các cuộc vui chơi để tăng ca. Nhiều công nhân giải thích tăng ca vừa có thêm tiền gửi về quê, vừa có thêm tiền trang trang trải cuộc sống – còn vui chơi giải trí chỉ tốn kém. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp giữ chân lao động bằn khung giờ làm cố định.
Đại biểu Xuân cho rằng hiện nay nhà nước chỉ đang lo việc bảo đảm tổ chức tín dụng lo việc lạm phát xảy ra mà chưa quan tâm nhiều tới doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, đồng nghĩa tạo sức bật cho sự phục hồi phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.
Về vấn đề an ninh nguồn nước cũng như sự thiếu điện, đại biểu Xuân lo ngại rằng mới đầu mùa hè đã xảy ra tình trạng thiếu nước bảo đảm cung cấp cho người dân. Đại biểu dẫn chứng: tình trạng thiếu nước cạn nước tại nhiều con sông con suối đang xảy ra tại nhiều địa phương. Đơn cử tại Tây Nguyên, nhiều con sông đã tiệm cận mực nước chết. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 20 - 60%. Từ nay đến hết tháng 7, dự báo tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 5 - 10%. Do lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, không ít nhà máy thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên đang phải hoạt động cầm chừng nhiều ngày qua, ảnh hưởng lớn đến việc phát điện thời gian tới, như các thủy điện: Ialy, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ và nhiều hồ thủy điện khác đã về mực nước chết, hoặc xấp xỉ gần mực nước chết.
Đại biểu Xuân còn nghi ngại về hệ lụy việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái ngay đầu nguồn cung cấp nước. Chỉ ra ví dụ là 1/3 nguồn nước cung cấp cho người dân Hà Nội lấy từ Sông Đà. Tuy nhiên, tại đây đang hình thành nhiều điểm du lịch lòng hồ và du lịch sinh thái. Vấn đề xả thải và sử dụng nước tại khu vực này sẽ làm ảnh hưởng tới trực tiếp nguồn nước lấy từ sông Đà. Nhiều người dân tại Hà Nội đã phản ánh và được lên truyền hình VTV. Người dân chấp nhận phải mua nước đóng chai để về sử dụng khi cảm thấy nước sinh hoạt có vấn đề. Do đó, cần tính toán và quy hoạch việc phát triển, bảo vệ khu vực đầu nguồn nước.
Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng: An ninh năng lượng hiện nay rất quan trọng trong việc phát triển đất nước, Chính Phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên trước mắt phải giải quyết những tồn tại đang gặp phải là việc thiếu điện trên cả nước. Nhiều địa phương hiện thực hiện luân phiên cắt điện, thậm chí ngay tại Hà Nội cũng xảy ra tình trạng này. Đại biểu Xuân cho rằng việc thiếu điện này sẽ được giải quyết khi mua điện từ các nhà máy sản xuất điện năng lượng tái tạo. Nghịch lý hiện nay nhiều nước trên thế giới đang tăng trưởng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhưng tại Việt Nam hiện gặp khó khăn khi không bán được điện thương phẩm. Việc thực hiện hệ sinh thái dịch vụ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII hiện đang được người người dân kỳ vọng. Do vậy, đề nghị Bộ Công thương có hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo.