ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: CẦN BỔ SUNG CHẾ TÀI CỤ THỂ ĐẢM BẢO VIỆC THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT
Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp với vai trò là cơ quan cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần bổ sung quy định biện pháp chế tài cụ thể nhằm bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời,…
Luật Tổ chức chính quyền địa phương khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương và trong việc hiện 2 chức năng quan trọng, đó là: quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Tiếp đó, năm 2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân và năm 2022 ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nhiều chuyển biến tích cực
Quan tâm tới nội dung này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND), các cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Giám sát tại kỳ họp là hình thức giám sát chủ yếu của HĐND, tại các kỳ họp HĐND, các phiên thảo luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND về các báo cáo Thường trực HĐND, các Ban HĐND, UBND và các ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp chính là kết quả của việc giám sát qua báo cáo kết hợp với quá trình giám sát thực tế của đại biểu tại các địa phương và trên các lĩnh vực công tác.
Trong các hình thức giám sát thì chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát khá hiệu quả thời gian qua. Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung thu hút sự quan tâm theo dõi và giám sát của đông đảo cử tri, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, có tính thời sự, được cử tri và công dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Thái độ chất vấn đúng mực, thẳng thắn, kiên quyết làm rõ trách nhiệm và hướng giải quyết của các cơ quan hữu quan. Kết quả của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề nổi lên, được cử tri và dư luận quan tâm. Nhìn chung, trong thời gian qua, quyền chất vấn của đại biểu HĐND tiếp tục được phát huy, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt.
Hoạt động giám sát chuyên đề được tiến hành theo kế hoạch, tạo sự chủ động cho Thường trực, các Ban HĐND và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát. Khi triển khai có sự điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Ban nên hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung và thời điểm thực hiện.
Nội dung giám sát chuyên đề tập trung vào những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm, như: xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách, quản lý đất đai, môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo... Kết quả giám sát được báo cáo tại kỳ họp HĐND, trong đó nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và kiến nghị đối với từng cấp, từng ngành, cơ ,đơn vị liên quan để có biện pháp giải quyết, khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành. Các báo cáo giám sát đã cung cấp thông tin hữu ích giúp đại biểu HĐND có cơ sở để thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, ĐBQH Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND còn những hạn chế, bất cập, cụ thể là:
Thứ nhất, đối tượng giám sát của HĐND, nhất là đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định hiện nay là khá rộng. Theo đó, HĐND thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan của HĐND, HĐND cấp dưới, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương. Luật quy định HĐND giám sát Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nhưng lại không quy định biện pháp xử lý trong trường hợp các cơ quan này có sai phạm, thực tế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân không chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước HĐND cùng cấp.
Thứ hai, số lượng đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm còn chiếm tỷ lệ khá cao đã làm hạn chế rất lớn đến chất lượng hoạt động của người đại biểu HĐND, đặc biệt là trong trường hợp đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát thông qua hình thức chất vấn tại kỳ họp. Tình trạng nể nang, ngại va chạm và không đi đến cùng các vấn đề cần chất vấn là những biểu hiện thường thấy khi trong quan hệ quản lý hành chính thì đại biểu HĐND lại là công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp hoặc thuộc cơ quan cấp dưới của người được chất vấn.
Thứ ba, thực tế có những kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của HĐND đối với những vấn đề, vụ việc cụ thể chưa được các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời mà phải qua đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa quy định chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh theo những kiến nghị của các cơ quan của HĐND các cấp sau giám sát.
Thứ tư, năng lực một số đại biểu HĐND chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò của mình, đặc biệt là đối với đại biểu HĐND cấp xã là những người được cơ cấu từ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố... trong khi đó hoạt động giám sát lại khá rộng, toàn diện và chuyên sâu đòi hỏi chủ thể giám sát phải có những kiến thức chuyên môn nhất định ở các lĩnh vực (kinh tế, tài chính, đất đai, xây dựng,...) thì mới có thể phân tích, đánh giá được chính xác các vấn đề để thực hiện tốt chức năng giám sát.
Thứ năm, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, HĐND cấp xã thành lập 02 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội để giúp HĐND thực hiện tốt hơn các chức năng và nhiệm vụ theo luật định, trong đó có chức năng giám sát. Theo quy định hiện nay, tất cả thành viên của các Ban HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm. Thực tế cho thấy có những địa phương, Trưởng ban, Phó Trưởng ban HĐND là cũng là công chức cấp xã thì sẽ bảo đảm về năng lực chuyên môn khi giám sát nhưng lại có hạn chế là thiếu sự khách quan khi các Ban giúp HĐND thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt trong thực hiện chất vấn tại các kỳ họp HĐND do mối quan hệ hành chính với lãnh đạo Ủy ban nhân dân. Trường hợp Trưởng ban, Phó Trưởng ban HĐND là đại diện các tổ chức hội, đoàn thể, trường học,... thì lại chưa đáp ứng tốt yêu cầu về kiến thức, năng lực chuyên môn để thực hiện tốt chức năng giám sát. Do đó, việc lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực và bảo đảm tính khách quan để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND cấp xã là một vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Gải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đảm bảo hoạt động giám sát HĐND, các cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đi vào thực chất và hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Trường Giang đề xuất cần xem xét thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nghiên cứu quy định thẩm quyền của HĐND tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, bổ sung quy định cụ thể về hậu quả pháp lý đối với những trường hợp Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động mà thông qua hoạt động giám sát HĐND đã phát hiện. Hoặc là giới hạn lại thẩm quyền và đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng HĐND chỉ tập trung giám sát vào đối tượng chủ yếu là Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Hai là, cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc làm này vừa tạo điều kiện để đại biểu HĐND toàn tâm, toàn ý tập trung cho nhiệm vụ của người đại biểu, vừa là giải pháp để khắc phục có hiệu quả tình trạng e ngại, nê nang trong thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.
Ba là, với số lượng đại biểu HĐND cấp xã từ 15 - 35 người như hiện nay, phải bảo đảm yêu cầu về cơ cấu các thành phần thì việc lựa chọn thành viên các Ban HĐND vừa đảm bảo được năng lực chuyên môn, vừa đảm bảo tính độc lập tương đối và khách quan để thực hiện tốt chức năng thẩm định, giám sát các lĩnh vực chuyên môn được HĐND phân công là công việc không dễ dàng. Lựa chọn Trưởng ban là người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Trưởng ban có thể là công chức là giải pháp có thể xem xét để đảm bảo được các yêu cầu trên. Đồng thời, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bảo đảm chất nguồn nhân lực khu vực công, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Bốn là, cần bổ sung quy định biện pháp chế tài cụ thể để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của HĐND được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần như hiện nay.
Năm là, ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ như hiện nay, cần xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu HĐND, nhất là các Ban của HĐND cấp xã thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.../.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81019