ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: NỘP PHÍ QUYỀN HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG KHÔNG PHÙ HỢP VỚI LUẬT PHÍ VÀ LỆ PHÍ
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Viễn thông( sửa đổi), tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông không phù hợp với Luật Phí và lệ phí...
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010 đã đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở Việt Nam, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được điều chỉnh nhiều vấn đề đáp ứng xu thế phát triển mới và hội nhập quốc tế.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Viễn thông( sửa đổi), tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông không phù hợp với Luật Phí và lệ phí.
Đại biểu Nguyễn Văn An cho rằng, Khoản 5 Điều 37 của Dự thảo Luật Viễn thông quy định “5. Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông và các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí”. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 44 của Dự thảo Luật Viễn thông lại quy định “Chính phủ quy định danh mục dịch vụ viễn thông doanh nghiệp phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông”. Như vậy, quy định này là không phù hợp với Luật Phí và lệ phí. Bởi hiện nay, Luật Phí và lệ phí đã quy định có 05 loại dịch vụ phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông, gồm: Phí thiết lập mạng viễn thông công cộng; Phí cung cấp dịch vụ viễn thông; Phí thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông; Phí thiết lập mạng viễn thông dùng riêng; và Phí lắp đặt cáp viễn thông trên biển. Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí nói trên.
Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, giải trình, chỉnh lý quy định tại Điều 44 để bảo đảm tính thống nhất. Trường hợp vẫn giữ giao Chính phủ quy định như tại Dự thảo Luật thì phải bổ sung nội dung điều khoản thi hành tại Điều 72 về sửa đổi, bổ sung quy định liên quan của Luật Phí, lệ phí. Đại biểu nhấn mạnh vấn đề này cần phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến nội dung quản lý Nhà nước về viễn thông, đại biểu Nguyễn Văn An bày tỏ, quy định tại Điều 68 của Dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện khái quát các nội dung quản lý, tuy nhiên cần xem xét thể hiện cụ thể, đầy đủ, rõ ràng hơn một số nội dung quản lý nhà nước rất quan trọng như: quản lý chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông; cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông; thống kê, theo dõi và công bố số liệu về quản lý tài nguyên viễn thông, hoạt động viễn thông công ích,…
Đại biểu Nguyễn Văn An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, chỉnh lý lại: quy định “cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện” tại cuối điểm a khoản 1 Điều 35 cho thống nhất với quy định tại Điều 20a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chỉ có quy định: Cấp lại giấy phép sử dụng băng tần chứ không có quy định cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; hay sửa đổi trường hợp “chia tách” tại điểm d khoản 1 Điều 38 thành 02 trường hợp là chia và tách; đồng thời bổ sung thêm trường hợp “Hợp nhất” vào điểm này để bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 31 Điều 4 Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn An cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét tên Điều và quy định tại Điều 42 về “Thu hồi, hoàn trả giấy phép viễn thông, yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông”, vì các lý do sau:
Một là, tên của Điều 42 có nội hàm “hoàn trả giấy phép viễn thông” nhưng nội dung trong Điều luật chỉ có “tự nguyện hoàn trả” là 1 trong các trường hợp tổ chức bị thu hồi giấy phép.
Hai là, Khoản 1 Điều 42 quy định: “Tổ chức bị thu hồi giấy phép viễn thông theo giấy phép đã được cấp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:”, sau đó liệt kê ra 08 trường hợp bị thu hồi, trong đó có điểm a (Quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này), điểm h (Không nộp đủ phí quyền hoạt động viễn thông…). Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn An bày tỏ quan điểm: Việc thu hồi, hoàn trả và chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông là biện pháp quản lý nhà nước chứ không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu viết theo dự thảo Luật thì chỉ có 02 trường hợp khi tổ chức có vi phạm được quy định tại điểm a, điểm h khoản 1 Điều 42, thì ngoài việc bị thu hồi giấy phép còn bị yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh theo quy định tại điểm a, b của khoản 2 Điều 42. Vậy còn 06 trường hợp khác tại khoản 1 Điều 42 thì thế nào? Không lẽ, bị thu hồi giấy phép viễn thông nhưng không bị yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh; hơn nữa, dự thảo Luật cũng không thấy thể hiện chế tài xử lý thế nào đối với trường hợp này.
Nhiều vấn đề khác cũng được đại biểu Nguyễn Văn An quan tâm, đề nghị xem xét bổ sung đầy đủ các quy định liên quan đến thẩm quyền quản lý, hướng dẫn tuân thủ pháp luật tại điểm a khoản 8 Điều 51 khi đề cập đến “quy định quản lý kho số viễn thông”, “quy định quản lý và sử dụng tài nguyên Internet” nhưng không rõ nội hàm quy định, cơ quan nào được giao ban hành các quy định này hay tại khoản 9 Điều 51 dự thảo Luật quy định “Tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải hoàn trả cho cơ quan quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet”. Quy định này cần xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp, bởi vì nó mâu thuẫn với quyền của tổ chức, cá nhân được chuyển nhượng kho số viễn thông, tài nguyên Internet tại Điều 52./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=75644