ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang): Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án

Đối với việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, trong thực tế ít có dự án nào thỏa thuận đạt 100%. Do đó, cần quy định trường hợp đã thỏa thuận được phần lớn diện tích đất trong dự án, chỉ còn lại một số ít diện tích không thỏa thuận được thì nhà nước thu hồi đất để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Đây là kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng nay, 9.6.

Xem xét lại giải thích từ ngữ về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Góp ý vào dự thảo luật, tại Khoản 7, Điều 3 quy định về cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng cho rằng: Việc quy định cá nhân được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là chưa hợp lý. Bởi thực tế, có rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xuất thân từ gia đình nông dân, họ có quyền sử dụng đất nông nghiệp do ông bà, cha mẹ mình để lại. Tuy có hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng đối tượng này vẫn có thể trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thường họ làm nông vào những ngày nghỉ, làm ngoài giờ làm việc công vụ hoặc có thể thuê thêm người khác cùng làm.

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu thảo luận tại tổ

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu thảo luận tại tổ

Tương tự, tại khoản 29, Điều 3 giải thích từ ngữ về hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cho rằng: Dự thảo cũng loại trừ đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác là chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Điều 90 của dự thảo Luật. "Vấn đề này có liên quan đến việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Nếu loại đối tượng này ra khỏi đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì họ không được hưởng nhiều chính sách khi nhà nước thu hồi đất. Như vậy không bảo đảm công bằng và hợp lý"- đại biểu cho biết.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại quy định này, nên bỏ cụm từ “không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội” trong phần giải thích từ ngữ về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Quy định trường hợp đã thỏa thuận được phần lớn diện tích đất trong dự án

Liên quan đến giải thích từ ngữtại Khoản 37, Điều 3, dự thảo giải thích về lấn biển có quy định:Lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam nhằm tạo quỹ đất cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Theo ĐBQH Nguyễn Việt Thắng quy định này chưa phù hợp. Giải thích về vấn đề trên, đại biểu cho biết: Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc lấn biển được thực hiện ở cả ba khu vực là: Đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển và khu vực biển. Quy định như Dự thảo thì hoạt động lấn biển chỉ được thực hiện trong khu vực biển, có nghĩa là từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển.

Tuy nhiên, với đặc điểm biển ở khu vực Tây Nam bộ, thường thì đường mép nước thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển ở rất xa bờ. Vì vậy, nếu quy định hoạt động lấn biển chỉ từ khu vực này trở ra thì không phù hợp. Do đó, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng đề nghị cân nhắc, xem xét lại quy định này. Có thể quy định diện tích mở rộng để lấn biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía biển.

Toàn cảnh họp tổ. Ảnh: Khánh Duy

Toàn cảnh họp tổ. Ảnh: Khánh Duy

Đối với việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, được quy định tại Điều 127 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu cho rằng: Trong thực tế thì ít có dự án nào thỏa thuận đạt 100%. Do đó, cần phải quy định trường hợp đã thỏa thuận được phần lớn diện tích đất trong dự án, chỉ còn lại một số ít diện tích không thỏa thuận được thì nhà nước thu hồi đất để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án. "Có thể quy định là diện tích đất đã thỏa thuận trên 90%" - đại biểu đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bỏ Điều 4 quy định về áp dụng pháp luật, nguyên tắc áp dụng pháp luật được thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mai Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/dbqh-nguyen-viet-thang-kien-giang-tao-dieu-kien-cho-nha-dau-tu-trien-khai-du-an-i331911/