ĐBQH: Nhiều tấm gương Công an, người dân quên thân cứu người trong các vụ cháy… rất xúc động

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm bày tỏ, qua các vụ hỏa hoạn ở Hà Nội gần đây, rất xúc động khi nhiều chiến sĩ công an PCCC và có cả những người dân rất dũng cảm, bất chấp hiểm nguy để cứu người…

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm góp ý về dự thảo Luật PCCC và CNCH

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH); dự án Luật Phòng không nhân dân.

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Thích Bảo Nghiêm tán thành phải thông qua Luật PCCC và CNCH, đồng thời đánh giá cao dự thảo luật mà cơ quan soạn thảo trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, thực tế gần đây cho thấy, tại ngay Thủ đô Hà Nội, hỏa hoạn xảy ra nghiêm trọng, khó lường. Qua những vụ cháy đều ghi nhận hình ảnh lực lượng công an PCCC đã rất dũng cảm, thậm chí có cả thương vong để CNCH, kịp thời cứu sống nhiều nạn nhân.

Đồng thời, nhiều người dân cũng rất dũng cảm, nhanh trí, chấp nhận cả nguy hiểm tới tính mạng để cứu người trong các vụ cháy…, là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, vì đồng bào.

Song bên cạnh những tấm gương như vậy, nó cũng thể hiện công tác PCCC còn nhiều vấn đề tồn tại, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này để mang lại hiệu quả cao hơn, bảo vệ đời sống nhân dân.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị, phải chú trọng công tác tuyên truyền về PCCC, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương có thành tích trong PCCC… hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính góp ý tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cũng nhất trí sự cần thiết của Luật PCCC và CNCH.

Về các nội dung cụ thể, ông góp ý, qua các vụ cháy nhà dân ở Hà Nội gần đây, chẳng hạn như vụ cháy nhà cho thuê gây chết nhiều người ở Trung Kính (quận Cầu Giấy), có một nguyên nhân quan trọng là cháy ắc quy của xe máy điện.

Từ thực tiễn này, đại biểu Chính đề xuất, việc xây dựng Luật hướng đến phòng cháy là đầu tiên, sau đó mới là chữa cháy.

Vì thế, luật cần quy định các biện pháp về phòng cháy đầy đủ, phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục, không chỉ giao trách nhiệm chính cho Mặt trận tổ quốc mà tất cả các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân… đều có trách nhiệm này.

Mặt khác, nên quy định trong trường hợp có cháy thì phải phát huy, huy động tất cả phương tiện, có thể là cả lực lượng khác cùng tham gia chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) phát biểu thảo luận (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) phát biểu thảo luận (Ảnh: TTXVN)

Tại các tổ khác, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đánh giá, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Luật PCCC và CNCH đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đề cập tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua, nhiều vụ cháy xảy ra ở các thành phố lớn, khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng an ninh trật tự, đời sống xã hội, đời sống kinh tế nhân dân…, đại biểu Thuận đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.

Cũng theo đại biểu Thuận, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy, hiện nay mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm họa trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, phòng thủ dân sự, môi trường...

Trong khi đó, hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường như cháy, nổ; đổ nhà; sạt lở đất, đá; người bị mắc kẹt; đuối nước... mà lực lượng PCCC&CNCH hiện nay đang phải áp dụng các biện pháp để CNCH thì chưa được quy định cụ thể trong luật (mới chỉ được quy định trong Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ).

"Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về CNCH, đặc biệt là với những tại nạn, sự cố xảy ra hằng ngày, chưa đến mức xem là "thảm họa", thiên tai lớn là yêu cầu cấp thiết" - ĐBQH Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Về khả năng bảo đảm của nguồn nhân lực, tài chính để tổ chức triển khai thi hành luật, Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho biết, luật hiện hành đang quy định lực lượng PCCC gồm lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở; lực lượng PCCC chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát PCCC. Đây là lực lượng nòng cốt trong hoạt động PCCC.

Dự thảo Luật PCCC&CNCH kế thừa quy định của luật hiện hành, do vậy không làm phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy tổ chức.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-nhieu-tam-guong-cong-an-nguoi-dan-quen-than-cuu-nguoi-trong-cac-vu-chay-rat-xuc-dong-post580223.antd