ĐBQH: Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ vì nạn phân bón giả, kém chất lượng

Đại biểu Quốc hội cho rằng giá phân bón liên tục tăng, cùng với đó là nạn phân bón giả, kém chất lượng đè nặng lên vai khiến nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ.

ĐBQH: Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ vì nạn phân bón giả, kém chất lượng

Làm gì để ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, đồng thời kéo giảm giá phân bón là câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn chiều 7/6.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đặt câu hỏi: "Thời gian qua, người nông dân khổ sở vì nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn, nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ. Vậy Bộ trưởng có giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay?".

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ vì nạn phân bón giả, kém chất lượng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ vì nạn phân bón giả, kém chất lượng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp là một ngành có tính liên ngành rất cao và rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, ngành hàng để kiểm soát giá cả, chất lượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để chủ động ngăn chặn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bản thân người dân cần chủ động, tích cực kiểm tra, mua phân bón tại các điểm, các cửa hàng có uy tín.

Một vấn đề nữa quan trọng hơn là người dân phải thay đổi tư duy trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ vô cơ sang hữu cơ để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tái sử dụng các sản phẩm bỏ đi của ngành nông nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào.

"Thời gian gần đây nhiều địa phương, doanh nghiệp và cả nhà nông đã sáng chế và sử dụng các chế phẩm sinh học, vừa tạo ra lợi nhuận, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường và không phải sử dụng phân bón giả, kém chất lượng.

Nếu 14 triệu hộ nông dân của chúng ta đều tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) thì sẽ bắt tay nhau trong sản xuất, giảm được chi phí đầu vào, hạn chế bất ổn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đầu ra ổn định, xây dựng các chuỗi liên kết, biểu hiện rõ nhất là bà con nông dân vùng Tây Nguyên đã triển khai trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 7/6. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 7/6. (Ảnh: Quochoi.vn).

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao.

"Bộ Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ thay vô cơ. Tuy nhiên, tập quán sử dụng hữu cơ chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có thói quen này. Bộ đã và sẽ làm gì để khuyến khích sử dụng phân hữu cơ trên cánh đồng?", ông Thái chất vấn.

Trả lời vấn đề của đại biểu Thái, Bộ trưởng Hoan dẫn một câu thơ nói về việc sử dụng phân bón của người dân tại ĐBSCL cách đây nhiều năm: “Đất nghiền phân vô cơ như người nghiền á phiện”.

Theo ông Hoan, người nông dân vùng ĐBSCL đã nhiều năm sử dụng phân vô cơ như có một “khế ước ngầm” giữa các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với bà con nông dân. Do vậy, ông Hoan cho rằng để thay đổi một tập quán thì cần nhiều thời gian.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Bà con nông dân cần phải tổ chức lại sản xuất lại, phải phân biệt được giá cả, chất lượng, lệ thuộc giảm dần về thuốc bảo vệ vô cơ, thuốc bảo vệ sinh học… đã tiết kiệm được 30- 40% đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề này Bộ đã triệu tập Giám đốc Sở Nông nghiệp vùng ĐBSCL để làm thay đổi lời thơ đầy trắc ẩn như thế. Được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ đã thành lập Văn phòng điều phối khu vực ĐBSCL để liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để dẫn dắt bà con thay đổi tư duy sản xuất, phải minh bạch chất lượng hàng hóa gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm”, Bộ trưởng Hoan nói.

Ông Hoan nhấn mạnh, vai trò cấp thiết tại ĐBSCL là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào HTX. Khi vào HTX, bà con được tư vấn việc giảm dần, phối trộn giữa phân bón vô cơ và hưu cơ, giữa thuốc bảo vệ thông thường và thực vật sinh học.

Theo ông Hoan, sáng nay, Bộ đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn về nhiều vấn đề. Bộ thành lập Văn phòng điều phối 13 tỉnh ĐBSCL về nông nghiệp, liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để dẫn dắt bà con thay đổi.

Phạm Duy

Phạm Duy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-nong-dan-da-ngheo-lai-deo-cai-kho-vi-nan-phan-bon-gia-kem-chat-luong-ar681093.html