ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: NHIỀU ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6

Sán 29/11, Quốc hội tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ 6. Chia sẻ về kết quả Kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBHQ tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ấn tượng với nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn đồng thời kỳ vọng, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Vậy, đại biểu đặc biệt ấn tượng với kết quả nổi bật nào của kỳ họp lần này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thànhtoàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Trong đó, đối với công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật và 07 luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi);Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh; Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp,…

Bên cạnh đó, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); …. Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương,của Bộ Chính trị; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Có thể thấy, tại các phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBHQ tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBHQ tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Tại kỳ họp thứ 6 này lần, đại biểu có đánh giá như thế nào về những đổi mới trong hoạt động này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động chất vấn luôn được cải tiến, đổi mới. Tại kỳ họp thứ 6, hoạt động này tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hình thức giám sát trực tiếp tối cao của Quốc hội, “thực sự hiệu quả, thực chất, mang tính xây dựng cao”.

Có thể nói, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn. Do đó, điều mà cử tri mong đợi là Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Thành công của phiên chất vấn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo chuyển biến đối với các lĩnh vực được chất vấn, đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

Các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Phóng viên: Cùng với những kết quả nổi bật nêu trên, đại biểu có đánh như thế nào về những đổi mới tại kỳ họp lần này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Là kỳ họp cuối năm và diễn ra giữa nhiệm kỳ, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng.

Điểm nổi bật trong toàn bộ Kỳ họp đó là tinh thần và không khí làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần xây dựng cao, thể hiện quyết tâm nhất quán của Quốc hội trong đồng hành cùng Chính phủ, đổi mới vì sự phát triển, kiến tạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao khi chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng các ý kiến, nội dung phát biểu, thảo luận kể cả các phiên thảo luận tại tổ cũng như thảo luận tại Hội trường.

Việc thiết kế Kỳ họp thành 2 đợt với 1 tuần nghỉ tiếp tục phát huy hiệu quả nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, nhất là cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị.

Công tác điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức khoa học, tập trung vào các vấn then chốt, cốt lõi; đồng thời cũng hết sức linh hoạt để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được bày tỏ ý kiến tại Hội trường. Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật của Kỳ họp là công tác thông tin tuyên truyền rất khách quan, kịp thời.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82688