ĐBQH: Thanh tra mà báo trước, doanh nghiệp sẽ lấy 'vở sạch chữ đẹp' ra đón tiếp

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng phải thanh tra đột xuất mới phát hiện được vi phạm.

"Tại sao trong tất cả báo cáo thanh tra, tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính vì thanh tra theo kế hoạch. Thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước, người ta chuẩn bị hết "vở sạch chữ đẹp" để đón tiếp đoàn thanh tra", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.

Đây là ý kiến tranh luận đối với quan điểm của Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng việc báo trước cho các đối tượng trong hoạt động thanh tra có tác dụng rất lớn. Báo trước mục tiêu thanh tra về phạm vi, nội dung thanh tra giúp các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp tốt hơn trước khi cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình)

Quan điểm này của đại biểu đoàn Thái Bình xuất phát từ thực trạng nhiều doanh nghiệp than phiền việc phải trả nhiều khoản chi phí không chính thức, phải tiếp đón đoàn thanh tra nhiều hơn 3 lần trong một năm và gặp nhiều phiền hà từ hoạt động thanh tra. Ngoài ra, việc lạm dụng thanh tra không báo trước cũng có thể làm phát sinh những tiêu cực từ đội ngũ thanh tra.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan có quan điểm ngược lại. Đại biểu của đoàn TP.HCM, hiện đang giữ chức vụ Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng nhận định của Đại biểu Phan Đức Hiếu không phù hợp trong nhiều lĩnh vực tồn tại nhiều sai phạm.

Theo bà Phong Lan, việc thanh tra đột xuất vẫn rất cần thiết. Đội ngũ thanh tra phải tích cực nắm bắt thông tin từ quần chúng, báo chí và thực hiện thanh tra bất ngờ mới thực sự nắm được tình hình thực tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

"Chúng ta cứ sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực nên vô hình trung kéo tay, kéo chân thanh tra lại. Mục tiêu là làm sao để cho hiệu lực thanh tra tốt nhất mà chỉ trông cậy vào thanh tra theo kế hoạch, lại báo trước thì không thể hoàn thành nhiệm vụ", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói.

"Sợ tiêu cực thì phải có cơ chế giám sát từ cơ quan chức năng, đào tạo bồi dưỡng, xử lý sai phạm chứ không phải chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên, báo trước cho doanh nghiệp là ngày đó giờ đó tôi đến. Lúc đó mà doanh nghiệp còn vi phạm thì chẳng biết nói sao nữa".

Minh Ngọc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-thanh-tra-ma-bao-truoc-doanh-nghiep-se-lay-vo-sach-chu-dep-ra-don-tiep-ar682096.html