ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Ngày 27/5, Quốc hội dành thời gian 01 ngày để thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Trong phiên họp buổi chiều, các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia thảo luận.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến tại nghị trường Quốc hội về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Góp ý đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Khoản 1 Điều 20 quy định Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện như đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ; có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đồng thời bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
Độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được quy định trong Luật. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 20 dự thảo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này. Đề nghị nghiên cứu, xem xét lại nội dung quy định đảm bảo phù hợp, thống nhất, đúng thẩm quyền.
Dự thảo Luật cũng có quy định người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên đối với quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì lại chỉ đối với điểm a khoản 1 là trường hợp “Đủ 75 tuổi trở lên”. Để quy định phù hợp, thống nhất, đề nghị theo hướng khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng. Nếu không sẽ dẫn đến có thể có trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2 (lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa và trường hợp này người hưởng bình thường với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau).
Bên cạnh đó, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân còn góp ý kiến về điều kiện hưởng chế độ thai sản (Điều 52), trong đó, đề nghị rà soát bổ sung trường hợp “người trực tiếp nuôi dưỡng” tại khoản 5, khoản 6 Điều 55; khoản 2 Điều 57 vào khoản 1 Điều 52 dự thảo Luật đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Đối với nội dung tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (Điều 78), đại biểu cho rằng để quy định được đầy đủ, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người được hưởng thì cần quy định khi căn cứ tạm dừng không còn thì phải tiếp tục thực hiện việc chi trả bao gồm tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của thời gian chưa nhận.
Về Khoản 4 Điều 78, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đề nghị trường hợp người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có thời gian chưa nhận lương hưu, trợ cấp trước khi chết, thì sau khi chết, lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận được coi là di sản. Do đó việc thực hiện căn cứ theo quy định pháp luật liên quan về thừa kế trong Bộ luật dân sự. Cần nghiên cứu bổ sung quy định về người thừa kế để đảm bảo đầy đủ, thống nhất.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến: Tại khoản 6 Điều 7 dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội: “Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Tại khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định về các chế độ, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội: “Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng hai nội dung trên trùng lặp về quy định giao địa phương ban hành chính sách hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Do vậy, đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, xem xét bỏ quy định nêu trên tại khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật.
Đối với việc giao địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, các nguồn lực xã hội để xây dựng chính sách riêng hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ có thể dẫn đến thực tế mỗi địa phương có một mức hỗ trợ thêm khác nhau. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách phụ thuộc chủ yếu từ trung ương, mức hỗ trợ thêm sẽ không cao so với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có nhiều nguồn lực để huy động thêm. Từ đó, có thể gây tâm lý “so sánh” giữa người dân ở các địa phương và gây ra hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” thu hút nhân lực về các địa phương có điều kiện. Trong khi mục tiêu xây dựng dự thảo Luật là bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội: " Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững”. Do vậy, đề nghị đơn vị soạn thảo cân nhắc về việc giao địa phương quy định về nội dung tại khoản 6 Điều 7 và khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật.
Đại biểu Huế chỉ ra tại khoản 2, Điều 20 đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội có nêu: “Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đồng thời bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Nếu quy định như vậy thì những hộ nghèo cao tuổi ở các khu vực khác như khu vực nông thôn, thành thị sẽ không được hưởng trợ cấp hưu trí khi đủ 70 tuổi. Trên thực tế cho thấy những người nghèo, cận nghèo từ 70 tuổi trở lên là đối tượng yếu thế, người không còn sức lao động, không có thu nhập, nhiều người thuộc diện người già cô đơn không nơi nương tựa, hoặc ốm đau phải điều trị dài ngày hoặc gia đình có người đau ốm thuộc đối tượng bảo trợ. Dù họ sinh sống ở địa bàn nào thì những người cao tuổi thuộc các đối tượng này cũng rất cần có chế độ hỗ trợ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc nên bỏ “địa bàn cư trú” và quy định cho tất cả công dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đủ 70 tuổi trở lên được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội này.
Tại Điều 74 và Điều 107 về BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề xuất tích hợp cả 2 Phương án, bởi: Người lao động được rút bảo hiểm sau khi nghỉ việc nhưng chỉ hưởng tối đa trên 1/2 tổng thời gian đóng BHXH nên vẫn trong diện bao phủ BHXH nhưng cũng không rời khỏi lưới an sinh xã hội, từ đó góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho xã hội, ngân sách nhà nước sau này; giảm dần nghịch lý người lao động hưởng BHXH một lần khi vẫn trong độ tuổi lao động và có khả năng làm việc, hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai./.