ĐBQH Trần Quốc Tuấn: Cần lấy lợi ích của nông dân, sự phát triển của doanh nghiệp đặt lên trên hết, trước hết khi sửa đổi Luật Thuế GTGT

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi cần phải được xem xét cẩn trọng, thấu đáo trên cơ sở lấy lợi ích của người nông dân, sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đặt lên trên hết, trước hết.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 18.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 18.

Chiều 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu tại thảo luận Tổ 18, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh thống nhất với các nội dung Tờ trình của Chính phủ, đồng tình với 05 ưu điểm khi tổ chức thực hiện Luật Thuế GTGT trong thời gian qua như: giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; định hướng sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để phát huy nội lực quốc gia; tạo sự minh bạch trong quản lý thuế, chống gian lận trong hoàn thuế; đặc biệt hơn, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững. Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với 05 hạn chế Chính phủ trình Quốc hội.

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, do đây là lần đầu thảo luận lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật, nên đại biểu thể hiện chính kiến của mình xoay quanh 03 nội dung chính và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm.

Một là, về nội dung điều khoản quy định trong Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này cần phải được quy định đầy đủ, chặt chẻ trên cơ sở góp ý của các vị ĐBQH, tránh trường hợp khi Luật được ban hành lại phát sinh những tồn tại, bất cập gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Điển hình như cần phải khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng gian lận trong kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT, thực tế thời gian qua đã có rất nhiều vụ án mua bán hóa đơn để hoàn thuế GTGT có quy mô lớn như vụ án do Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá vào cuối năm 2023, mua bán đến hơn 01 triệu hóa đơn GTGT với số tiền ghi trên hóa đơn lên đến 64.000 tỷ đồng hay vụ án mua bán hóa đơn để hoàn thuế GTGT do Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá đầu năm 2024 và nhiều vụ án mua bán hóa đơn khác, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh việc thiết kế chặt chẽ các điều khoản Luật với các nội dung bao trùm cần quan tâm thêm việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, đơn giản hóa đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính để các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh thuận tiện dễ dàng khi nộp thuế và làm thủ tục hoàn thuế GTGT, nhưng đồng thời không để kẻ hở để các đối tượng trục lợi chính sách thuế.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu Phiên thảo luận tại Tổ 18.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu Phiên thảo luận tại Tổ 18.

Hai là, hạn chế tối đa việc giao trách nhiệm cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hay các Bộ ngành hướng dẫn nội dung quy định trong Luật bằng các nghị định hay thông tư, những nội dung nào nếu đã rõ thì cần quy định ngay trong Luật.

Chẳng hạn như, khoản 25, Điều 5 Dự thảo Luật sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nội dung này, Luật hiện hành quy định là “dưới 100 triệu đồng”. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, việc giao cho Chính phủ quy định cụ thể “mức ngưỡng” này là không cần thiết, mà phải được quy định ngay trong Luật Thuế GTGT sửa đổi để dễ thực hiện. Vì thực tế thời gian qua, có nhiều văn bản dưới Luật đã hướng dẫn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, dẫn đến khó thực hiện, do mỗi người, mỗi cơ quan hiểu theo 01 kiểu khác nhau, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Ba là, về việc bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5% quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9 của Dự thảo Luật (trong khi quy định hiện hành thì mặt hàng phân bón không phải chịu thuế)

Điều này đồng nghĩa với việc, khi Luật Thuế GTGT sửa đổi được thông qua, thì sau đó “mặt hàng phân bón” phải chịu mức thuế suất 5% thuế GTGT. Do vậy, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc thật kỹ nội dung này, đảm bảo rằng khi Luật Thuế GTGT (sửa đổi 2024) được thông qua thì mặt hàng phân bón không bị tăng giá, nhằm vừa đảm bảo lợi ích cao nhất của người nông dân, vừa bảo vệ quyền lợi và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, do vậy ĐBQH rất cần báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, giải trình làm rõ hơn nội dung này, để ĐBQH yên tâm khi bấm nút thông qua.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn giải thích thêm: vì trước đây, mặt hàng phân bón… cũng đã từng là đối tượng chịu mức thuế suất thuế GTGT 5% (từ trước ngày 01/01/2015), nhưng sau đó, khi nghiên cứu thực tiễn trên cơ sở hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thì kể từ ngày 01/01/2015, trong đó quy định mặt hàng phân bón không còn là đối tượng phải chịu thuế GTGT. Nhưng sau gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Chính phủ lại trình Quốc hội “bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5%”, điều này cho thấy chúng ta đang loay hoay với quy định này. Vì vậy, cần phải được xem xét cẩn trọng, thấu đáo trên cơ sở lấy lợi ích của người nông dân, sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đặt lên trên hết, trước hết.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dbqh-tran-quoc-tuan-can-lay-loi-ich-cua-nong-dan-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep-dat-len-tren-het-truoc-het-khi-sua-doi-luat-thue-gtgt-37978.html