ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia đóng góp ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng cần phát huy được vai trò của nội lực quốc gia, nghiên cứu, phát triển những nguyên liệu trong nước để góp phần khai thác tốt những tiềm năng của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu tại phiên họp

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, việc Việt Nam đang trở thành điểm sáng, hình mẫu đáng học tập cho nhiều nước trong khu vực và quốc tế, nhất là các nước ở châu Âu trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID là điều kiện rất thuận lợi để Quốc hội chúng ta xem xét, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên của Liên minh Châu Âu. Đại biểu bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đối với 2 Hiệp định này là kết quả của sự kiên trì mục tiêu quan điểm, đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta trong suốt nhiều năm qua, đưa quan hệ các đối tác lớn, trong đó có EU đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt là trong năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, có tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Có thể nói, tác động thuận lợi của 2 hiệp định đối với Việt Nam là rất rõ ràng và thách thức đối với Việt Nam cũng rất tốt, giúp chúng ta có cơ hội cải cách thể chế, thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu và giúp cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến những bất cập hiện nay trong thực thi pháp luật để chúng ta không bỏ lỡ cơ hội này. Ví dụ, người ta cần phải có truy xuất nguồn gốc, thực tế chúng ta đang bàn ở đây để giúp cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng nhiều khi doanh nghiệp Trung Quốc lại núp bóng dưới doanh nghiệp của Việt Nam để tạo ra những sản phẩm lấy tên là của doanh nghiệp Việt Nam, điều đó có thể khiến chúng ta mất uy tín. Cho nên, đại biểu đề nghị Chính phủ phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam và xử lý nghiêm tất cả những trường hợp vi phạm trong gian dối và trong vấn đề vi phạm pháp luật về thương mại.

Đại biểu cũng đề nghị phát huy được vai trò của nội lực. Ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong đại dịch vừa qua chúng ta thấy việc nhập khẩu nguyên liệu bị dừng lại hết, nếu chúng ta không xuất phát từ những nguồn nội lực trong nước, nhất là vấn đề dệt may. Hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng nghiên cứu, phát triển những nguyên liệu trong nước để góp phần khai thác tốt những tiềm năng của đất nước trong vấn đề dệt may. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác quan tâm, nhất là những làng nghề, để góp phần thúc đẩy khắc phục những khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.

Về vấn đề cải cách thể chế, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, xem xét để thay đổi cách xây dựng pháp luật nhằm tạo ra một môi trường có pháp luật về hành chính công hoặc dịch vụ công, một môi trường pháp lý đầy đủ để thúc đẩy cải cách, đổi mới thể chế./.

Bùi Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=46225