ĐBQH TRẦN THỊ THU PHƯỚC: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TÍNH ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE, XEM XÉT TRỪ ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Tiếp tục góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Thu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới là cấp thiết. Trong đó, cần quy định chặt chẽ hơn với quản lý và cấp phép giấy phép lái xe, cũng như ưu tiên nguồn lực hiện đại hóa cho lực lượng cảnh sát giao thông. Cổng thông tin Điện tử Quochoi.vn đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Thị Thu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum về vấn đề này:

Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum

Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, một phần là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Trong khi đó, giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng để công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực, điều kiện để điều khiển loại phương tiện giao thông. Vậy theo đại biểu, cần thiết phải có quy định chặt chẽ hơn với quy định giấy phép lái xe tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không?

ĐBQH Trần Thị Thu Phước: Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng. Không chỉ là phương tiện để Nhà nước, xã hội công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực, điều kiện thực hiện hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định để tham gia giao thông hay không mà nó còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Hậu quả về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời, chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Trước tình hình trên, tôi xin kiến nghị với Quốc hội, với Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước. Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại. Từ đó, người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm. Chính sách này trước kia dù có muốn chúng ta cũng khó thực hiện do những hạn chế về công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay theo xu thế chuyển đổi số của nước ta thông qua việc liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu, các cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, nắm bắt được nhiều thông tin khác nhau phục vụ cho công tác quản lý. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm tính chính xác, minh bạch và kịp thời của việc trừ điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, điểm của giấy phép lái xe cũng có thể được sử dụng như mục tiêu, tiêu chí để các nhà tuyển dụng sử dụng khi tuyển lao động là lái xe cho mình.

Phóng viên: Thưa đại biểu, khi đất nước chúng ta càng phát triển nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa càng phát triển, tạo áp lực rất lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông. Theo đại biểu cần thiết phải ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa cho lực lượng cảnh sát giao thông hay không?

ĐBQH Trần Thị Thu Phước: Theo tôi vấn đề bạn đặt ra là rất cần thiết bởi theo thống kê hiện nay thì cả nước có gần 80 triệu phương tiện, gồm 6,1 triệu ôtô và 73,4 triệu xe môtô, mỗi năm chúng ta lại tăng thêm 500.000 xe ôtô và 3 triệu môtô. Đất nước chúng ta càng phát triển nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa càng phát triển, tạo áp lực rất lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông. Cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cắt giảm biên chế lực lượng công an cũng không được tăng biên chế, việc hiện đại hóa công tác của lực lượng cảnh sát giao thông không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà còn góp phần điều hành giao thông thông minh, phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là sẽ giải quyết được vấn đề gây nhức nhối trong thời gian qua đó là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận nhỏ cán bộ cảnh sát giao thông suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Với việc ứng dụng những tiến bộ mới của công nghệ thông tin, việc giám sát phát hiện, xử lý một số hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông như chạy quá tốc độ, đi sai làn, lấn làn, không thắt đai an toàn, vượt đèn đỏ, v.v.. đều có thể được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác này. Tôi cũng đề nghị cần thể chế vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83266