ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam): Tạo chuyển biến rõ rệt trong cải thiện năng suất lao động
Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025 tại phiên họp chiều nay, 31.10, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) kiến nghị, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi đối với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện năng suất lao động, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Khải bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ, song cũng chỉ rõ, nội dung về phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động trong báo cáo thể hiện còn mờ nhạt.
Phân tích rõ hơn, đại biểu cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước.
Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 6%/năm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm (giai đoạn 2011 - 2015) lên khoảng 6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020).
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ được điểm cốt yếu trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng năng suất lao động trở thành đột phá chiến lược là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của nước ta.
Cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là "chìa khóa" cho phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh, đại biểu Trần Văn Khải đặt vấn đề: Hiện nay chúng ta có gì hay mới chỉ bắt đầu, sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2023-2025? Cơ hội lớn phát triển ngành sản xuất quan trọng, sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại như: chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm… đang mở ra, tuy nhiên, nếu chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì sao có thể thu hút được “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng”?
Trước thực trạng này, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất hiện nay là phải có chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động.
Đại biểu kiến nghị, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện năng suất lao động, tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về các chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, đại biểu mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá, nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.