ĐBQH tranh luận nóng về phim 'Đất rừng phương Nam': 'Không có lửa sao có khói'

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng trong công tác quản lý cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe, theo dõi dư luận để có những điều chỉnh cần thiết, bởi mọi thứ đều có lý, 'không có lửa làm sao có khói'.

Lắng nghe dư luận hơn là tính chuyện xử phạt

Tại phiên chất vấn sáng 8.11 tại Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An tranh luận với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến phần trả lời của Bộ trưởng về bộ phim Đất rừng phương nam.

Đại biểu An cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý là làm rõ đâu là sai trái, đâu là những nét đẹp cần tôn vinh, cần thiết phải lắng nghe dư luận.

Theo ông An, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái của xã hội rất bình thường. Dư luận có cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu nhưng không phải ý kiến nào được nêu ra cũng để "đánh cho ai đó chết" mà để góp ý nêu quan điểm, để làm cho mọi thứ rõ ràng và tốt đẹp hơn.

Do đó, ông An nhấn mạnh không nên đánh đồng các loại ý kiến dư luận, nhất là những góp ý để bảo vệ tính chân thực, bảo vệ sự thật, bảo vệ giá trị lịch sử.

"Trong công tác quản lý cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe, theo dõi dư luận để có những điều chỉnh cần thiết, bởi mọi thứ đều có lý, không có lửa làm sao có khói", ông An nêu.

ĐBQH Trịnh Xuân An tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

ĐBQH Trịnh Xuân An tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tránh việc bỏ qua dư luận hoặc coi thường dư luận để mọi việc đi quá xa và thành vấn đề nóng rồi mới có động thái là không ổn.

“Bộ phim được hội đồng kiểm duyệt ngày 29.9 là bảo đúng nhưng đến ngày 15.10 thì đề nghị sửa. Sau khi lắng nghe dư luận đại biểu cho rằng như vậy là chất lượng kiểm định và trách nhiệm của Cục Điện ảnh chưa cao”, ông An nêu.

Đại biểu cho rằng không thể xem nhẹ công tác giáo dục truyền thống, lịch sử. Bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh, nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, với văn hóa dân tộc thì phải luôn chân thực, trung thực và không được làm méo mó.

Theo đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải làm rõ được đâu hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh, do đó đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nội dung này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh, bộ phim Đất rừng phương nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định và khẳng định bộ phim không vi phạm pháp luật về điện ảnh, vì vậy được cấp phép để phổ biến

Chính vì vậy, Bộ tôn trọng quyết định của hội đồng. Trong trường hợp nếu phát hiện hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật thì lúc đó mới có các biện pháp để xử lý tiếp theo.

“Bộ Văn hóa cũng rất cẩn trọng trước những yêu cầu có tính chất tranh luận trên nền tảng của mạng xã hội và nhiều ý kiến đóng góp. Bộ trưởng đã yêu cầu hội đồng xem xét tiếp thu hợp lý những ý kiến mà dư luận phản ánh. Vì vậy, hội đồng đã họp với có các cơ quan chủ quan để xem xét lại và khẳng định bộ phim vẫn đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động”, ông Hùng nêu.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng cho biết Bộ tôn trọng theo nguyên tắc này và hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nếu có các biểu hiện bôi xấu, bôi nhọ thì phải được tiếp tục xử lý. “Chúng ta đã có quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Luật An ninh mạng. Văn hóa ứng xử không chấp nhận thói bôi xấu, bôi nhọ, cần có văn hóa ứng xử trên không gian mạng”, ông Hùng nêu.

Bệnh nhân phải đi mua thuốc bên ngoài với giá đắt

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Dương Khắc Mai đề cập đến vấn đề bệnh nhân đi viện thì phải mua thuốc ở bên ngoài. Đây là một thực trạng mà nhiều cử tri quan tâm, phản ánh bệnh nhân đi viện thì lại phải mua thuốc ở bên ngoài gây rất nhiều là khó khăn.

Theo đại biểu, bệnh nhân phải đi viện mà phải mua thuốc ở bên ngoài với giá rất đắt thì không phải ai cũng mua được. Do đó, đề nghị Bộ trưởng Y tế chỉ đạo phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm, khám chữa bệnh; đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn.

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết đã có chỉ đạo cụ thể. Ngay chiều qua, Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án cụ thể. Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai để khi có dự thảo chính thức sẽ xin ý kiến các bộ ngành địa phương.

Bộ trưởng nhấn mạnh quy định cụ thể điều kiện nào người bệnh được thanh toán bảo hiểm và quy định nào để tránh lạm dụng đòi hỏi các quy định pháp lý một cách chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết vừa qua có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí cho người bệnh và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế - là quỹ của toàn dân mà trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, người dân để Quỹ được phát triển, ổn định, phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là nhận thức trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác, điều này đòi hỏi chỉ đạo để có nhận thức xét nghiệm ở hợp lý cao nhất. Ngoài ra việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.

Lam Thanh - Hải Yến

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dbqh-tranh-luan-nong-ve-phim-dat-rung-phuong-nam-khong-co-lua-sao-co-khoi-208525.html