ĐBQH TRỊNH THỊ TÚ ANH: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ THẨM QUYỀN CẤP, BỔ SUNG, GIA HẠN, THU HỒI GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG
Đóng góp về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông được đề cần được quy định cụ thể hơn. Vì đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời cũng là khâu dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Một trong những nội dung mới được điều chỉnh trong dự thảo Luật là về cấp phép viễn thông.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn cấp Giấy phép viễn thông dài hơn để tránh việc gây phiền hà cho doanh nghiệp và có thể làm phát sinh tiêu cực; đề nghị đồng bộ thời hạn cấp giấy phép viễn thông với thời hạn cấp tần số vô tuyến điện kèm theo để không xảy ra trường hợp doanh nghiệp khi bắt đầu đấu giá tần số vô tuyến điện lại không được cấp giấy phép viễn thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các loại giấp phép cung cấp dịch vụ tại Luật Viễn thông năm 2009 đều có thời hạn là 10 năm, nhưng tại dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi thời hạn của loại giấy phép cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng đã được tăng thành 15 năm để đồng bộ với quyền thiết lập mạng.
Thời hạn giấy phép được tham khảo từ việc cấp phép của các nước trong khu vực và trên thế giới thời hạn 10 năm (Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng) và 15 năm (Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng) là phù hợp với hiện trạng quản lý của thế giới, tốc độ thay đổi của công nghệ. Với một vòng đời công nghệ hiện nay khoảng 10 năm thì việc quy định giấy phép 15 năm để yêu cầu doanh nghiệp đổi mới công nghệ đưa công nghệ mới vào cung cấp cho xã hội sau khi đã hoàn vốn và có lãi là phù hợp.
Về việc đồng bộ với giấy phép tần số vô tuyến điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời hạn của các loại giấy phép tần số hiện nay đã tương đồng với thời hạn của Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng (có thời hạn tối đa là 15 năm).
Ngoài ra, doanh nghiệp trước khi tham gia đấu giá tần số phải đảm bảo đủ điều kiện tham gia đấu giá, trong đó bao gồm điều kiện được cấp phép viễn thông. Vì vậy, sau khi trúng đấu giá doanh nghiệp chắc chắn sẽ được cấp phép viễn thông.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị rà soát khoản 4 Điều 33 về thẩm quyền cấp phép để bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức Chính phủ; đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông ngay trong luật mà không giao cho Chính phủ quy định; đề nghị phân cấp cho địa phương thực hiện cấp giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ là cơ quan kiểm tra, thanh tra; đề nghị bỏ khoản 5 Điều 33 và cần thiết bổ sung thêm các nội dung quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục cấp phép; một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về cấp giấy phép viễn thông để giảm bớt thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý bỏ khoản 4 Điều 33 dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức Chính phủ. Về ý kiến đề nghị bỏ khoản 5 Điều 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp phép là để cụ thể hóa nội dung cấp phép theo từng loại dịch vụ và quyền thiết lập mạng viễn thông tương ứng, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt khi có sự thay đổi của công nghệ. Do vậy, xin phép giữ như dự thảo.
Về ý kiến đề nghị phân cấp cho địa phương thực hiện cấp giấy phép viễn thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đối tượng hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông là doanh nghiệp có quy mô, hoạt động trên phạm vi rộng, đặc điểm của mạng lưới và dịch vụ viễn thông là liên tục theo thời gian và không bị chia cắt theo địa giới hành chính. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể việc phân cấp, phân quyền cấp phép viễn thông trong dự thảo Luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Về ý kiến đề nghị rà soát quy định về cấp giấy phép viễn thông để giảm thủ tục hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật quy định việc cấp phép viễn thông gồm 02 hình thức (cấp phép riêng, cấp phép nhóm), đồng thời bổ sung thêm hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không đòi hỏi phải quản lý chặt như với các dịch vụ viễn thông mới. Đây là cách tiếp cận mới, khác với quy định trước đây yêu cầu tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông đều cần phải được quản lý bằng hình thức cấp giấy phép. Đồng thời dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết quy trình, thủ tục cấp phép bảo đảm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nguyên tắc “ưu tiên cấp giấy phép viễn thông cho dự án có khả năng triển khai nhanh trên thực tế...” tại khoản 2 Điều 34.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tất cả các giấy phép cung cấp dịch vụ đều được thẩm định với mức độ ưu tiên giống nhau theo nguyên tắc không hạn chế gia nhập thị trường. Nguyên tắc ưu tiên được áp dụng đối với doanh nghiệp đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ có quyền thiết lập mạng sử dụng tài nguyên tần số thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. Điều kiện về viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã được quy định tại Điều 37. Với nguyên tắc này sẽ đảm bảo định lượng được các điều kiện đấu giá và cho phép lựa chọn được các doanh nghiệp có khả năng triển khai nhanh trên thực tế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật.
Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép viễn thông liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo dự án luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đưa ra ý kiến, đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, về chuyển mạng giữ số. Chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mọi người dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện online với thời gian khoảng 1 đến 2 giờ. Khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP quy định mỗi bên đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong lãnh thổ của mình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số mà không làm suy giảm chất lượng và độ tin cậy một cách kịp thời theo các điều khoản, điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử. Tại Việt Nam, chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư số 35/2017. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như sau:
Một là, các quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng, khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn.
Hai là, các nhà mạng đưa ra các dạng rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng, giữ số.
Ba là, các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất thực hiện chuyển mạng giữ số online dẫn đến thủ tục vừa chậm, vừa mất công và không chính xác, thiếu minh bạch. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này đã bổ sung điểm h khoản 2 Điều 13 về việc quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.
Thứ hai, tại điểm c khoản 4 Điều 13 dự thảo luật quy định: "Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có nghĩa vụ thu hồi, tháo dỡ các công trình viễn thông khi không còn sử dụng". Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đồng tình với quy định mới này tại dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thời hạn cụ thể để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các quy định này.
Thứ ba, về giấy phép viễn thông từ Điều 33 đến Điều 36. Phần nội dung này để Chính phủ quy định chi tiết là chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cấp giấy phép viễn thông. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị xem xét lại một số nội dung như sau: Về thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông cần phải được quy định cụ thể hơn. Vì đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời cũng là khâu dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy, cần thiết phải có quy định cụ thể hơn trong luật, không nên giao cho Chính phủ quy định. Hơn nữa, tại Điều 13.18 Hiệp định CPTPP quy định về quy trình cấp phép phải đảm bảo sự phổ biến: Tất cả các tiêu chí và thủ tục cấp phép mà mình áp dụng; Các điều kiện của tất cả các giấy phép có điều kiện. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bỏ khoản 4 Điều 33 và cần thiết phải bổ sung thêm các nội dung quy định việc cụ thể về điều kiện, thủ tục cấp phép tại phần này.
Thứ tư, về gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông tại Điều 39 điểm b khoản 2. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị xem xét bỏ quy định trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép đó, khi giấy phép hết hạn sử dụng chỉ được xem xét gia hạn không quá một năm. Vì quy định này mâu thuẫn với đoạn đầu, đặc biệt là chưa đảm bảo sự công bằng đối với tất cả các chủ thể được cấp giấy phép bằng thời hạn tối đa và các chủ thể được cấp giấy phép chưa bằng thời hạn tối đa theo quy định của luật này. Vì vậy, Luật cần quy định rõ là trường hợp cấp giấy phép lần đầu có thời hạn tối đa đã quy định cho loại giấy phép đó, khi hết hạn sử dụng thì không được gia hạn nữa.
Thứ năm, về trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông tại Điều 69. Điều 69 mới quy định các đầu mối trong quản lý nhà nước về viễn thông như các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp mà chưa có quy định cụ thể các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ, ngành và nhất là Ủy ban Nhân dân các cấp như thế nào trong việc thực hiện 8 nội dung quản lý của Nhà nước đã được quy định tại Điều 68. Nếu không quy định cụ thể sẽ rất khó để phân định trách nhiệm chính, trách nhiệm phối hợp và công tác quản lý, xử lý vi phạm của các cấp, ngành, nhất là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị quy định cụ thể hơn để đảm bảo thống nhất chung trong hoạt động quản lý Nhà nước và theo thẩm quyền cụ thể được pháp luật quy định./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81385