Thực hiện chương trình xóa nhà dột nát: Nỗ lực về đích

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, hơn 1 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội, giúp các hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Thêm những ngôi nhà khang trang

Thời gian qua, Bắc Giang được Chính phủ đánh giá là nhóm tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến tháng 11/2024, toàn tỉnh đã khởi công 100% các ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo theo danh sách phê duyệt thực hiện năm 2024.

Nhiều huyện, thị xã, TP đã tập trung cao đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ quý II/2024 như: Huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hòa, TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên. Chủ trương của các huyện, thị xã, TP là trích từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ các hộ được rà soát đủ điều kiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ 50-100 triệu đồng. Bằng nhiều hình thức vận động linh hoạt, nhiều căn nhà được xây dựng bằng nghĩa tình đồng bào.

 Ngôi nhà của gia đình anh Đỗ Văn May, tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngôi nhà của gia đình anh Đỗ Văn May, tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Mùa mưa bão vừa qua, gia đình anh Đỗ Văn May (SN 1991) ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) không còn lo “chạy dột”. Căn nhà cũ ọp ẹp được thay bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang, với diện tích 90 m2, công trình phụ khép kín sạch sẽ, trị giá gần 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Bắc Lý chia sẻ: “Nằm ở thị trấn sầm uất nhưng gia đình anh May thuộc diện hộ nghèo. Là ông bố đơn thân, bị khoèo tay, anh bươn chải nuôi 2 con, trong đó có 1 cháu bị bệnh bạch cầu tủy thường xuyên phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình, Ủy ban MTTQ thị trấn vận động ủng hộ xây dựng nhà cho bố con anh May theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Ngoài nguồn quỹ “Vì người nghèo” của huyện, các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong ủng hộ 50 triệu đồng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ 50 triệu đồng”. Cùng đó, bà con xóm phố hỗ trợ xi măng, gạch lát nền, thiết bị vệ sinh để căn nhà nhanh chóng được hoàn thiện.

Qua rà soát, thống kê và thẩm định, BCĐ 714 đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng 1.393 căn nhà trong năm 2024. Trong đó, nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo là 968 nhà; 232 hộ người có công cần sửa chữa, xây mới; 193 nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn, niềm vui lớn đến với người dân Lục Ngạn trước Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) là toàn huyện đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024. Là địa bàn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, năm 2024, huyện Lục Ngạn tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 205 hộ, trong đó xây mới 147 nhà, sửa chữa 58 nhà. Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã vận động và tiếp nhận hơn 10 tỷ đồng từ các tập thể, cá nhân ủng hộ.

Anh Vi Văn Nam ở tổ dân phố Hồ Sen, thị trấn Chũ bị khuyết tật, khả năng lao động hạn chế, nhờ các cấp, các ngành hỗ trợ, anh đã xây được ngôi nhà chắc chắn. Bà con trong xóm mua sắm đồ dùng tặng gia đình. Anh Nam chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui mừng vì nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng để cuộc sống của chúng tôi bớt khó khăn, vất vả”. Ngoài vận động kinh phí hỗ trợ, huyện Lục Ngạn đã huy động sự vào cuộc của nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia hỗ trợ về ngày công nhằm giảm bớt chi phí xây dựng .

Tập trung nguồn lực

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo. Thông qua rà soát, phân loại đối tượng thụ hưởng, các huyện, thị xã, TP giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể kết nối với mạnh thường quân, nhà tài trợ để hỗ trợ các hộ xây, sửa nhà. Đối với các hộ không có khả năng đối ứng, các địa phương đã linh hoạt vận động để hỗ trợ xây dựng nhà theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

 Công an huyện Sơn Động hỗ trợ gia đình hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm. Ảnh: Xuân Thỏa.

Công an huyện Sơn Động hỗ trợ gia đình hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm. Ảnh: Xuân Thỏa.

Mới đây, thông qua Ủy ban MTTQ huyện Sơn Động, Công ty cổ phần Hoàng Ninh Group trao 50 triệu đồng cho gia đình bà Ngọc Thị Hà (SN 1976), hộ nghèo ở tổ dân phố Phe, thị trấn An Châu xây nhà mới. Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn vận động Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Giang (Vietcombank Bắc Giang) hỗ trợ 150 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết cho 3 hộ nghèo gồm: Ông Lường Văn Thi, thôn Cấm, xã Cấm Sơn; Lý Văn Cương, thôn Thanh Văn 2, xã Tân Hoa; Từ Văn Hải, thôn Bến Huyện, xã Nam Dương. Một số địa phương có điều kiện huy động xã hội hóa thuận lợi hơn như TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên đã chủ động tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được thụ hưởng để những ngôi nhà được khang trang, chắc chắn hơn.

Mỗi căn nhà mới hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo ổn định chỗ ở. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang là cấp ủy quyết liệt trong chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong việc tuyên truyền, vận động ủng hộ, hỗ trợ, đôn đốc, giám sát thi công bảo đảm chất lượng công trình... Đến nay, cơ bản trên địa bàn tỉnh đã khởi công xây nhà cho các đối tượng theo kế hoạch phê duyệt năm 2024. Các địa phương tập trung cao giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2025.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Vận động hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh (BCĐ 714), toàn tỉnh vẫn còn hơn 900 hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhưng chưa đủ điều kiện về quyền sử dụng đất nên chưa được thụ hưởng chính sách.

Như gia đình chị Vi Thị Thanh (SN 1988), dân tộc Nùng, hộ nghèo ở thôn Khuôn Kén, xã Tân Sơn (Lục Ngạn). Chồng mất sớm, 3 mẹ con ở trong ngôi nhà dột nát bên suối vừa bị đổ sập trong bão số 3. Do đất ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên chị chưa đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà mới năm 2024. Trước thực trạng này, BCĐ 714 yêu cầu các huyện, thị xã, TP tập trung chỉ đạo rà soát các điều kiện về quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn về đất ở cho các hộ để có thể đưa vào kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở trong thời gian tới.

Ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Để chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chỉ đạo MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, huy động sức mạnh toàn dân. Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn ủy ban MTTQ cấp huyện, xã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện rà soát, lựa chọn hộ được thụ hưởng, giám sát chất lượng công trình, tư vấn phương án xây dựng phù hợp với điều kiện từng gia đình, tránh lãng phí, phát huy tối đa giá trị, ý nghĩa của nhà đại đoàn kết.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-chuong-trinh-xoa-nha-dot-nat-no-luc-ve-dich-085933.bbg