ĐBSCL: Đề xuất đầu tư 9.297 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ dài tổng 251 km
Sẽ có tổng cộng 251 km đường thuộc Quốc lộ 53, Quốc lộ 62, Quốc lộ 91B được nâng cấp, cải tạo với tổng mức đầu tư khoảng 9.297 tỷ đồng, để đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 5503/TTr - BGTVT Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 3 tuyến quốc lộ kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
So với tờ trình cách đây hơn 2 tháng, nội dung tờ trình lần này đã được Bộ GTVT tiếp thu hoàn chỉnh trên cơ sở ý chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản nêu trên và ý kiến tham gia của nhà tài trợ – WB.
Các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất cải tạo, nâng cấp trong dự án lần này gồm: quốc lộ 53, quốc lộ 62 và quốc lộ 91B.
Đối với Quốc lộ 53, Dự án sẽ nâng cấp cầu Ngã Tư và đoạn Long Hồ - Ba Si (điểm đầu dự kiến tại Km11+295, điểm cuối dự kiến tại Km56+180, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Vũng Liêm và Càng Long dài khoảng 17,3 km). Chiều dài đầu tư khoảng 41 km trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.
Đối với Quốc lộ 62, Dự án sẽ nâng cấp 69 km trên địa bàn tỉnh Long An với đểm đầu dự kiến tại Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), điểm cuối dự kiến tại Km74+000, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Tân Thạnh dài khoảng 8 km.
Đối với Quốc lộ 91B, Dự án nâng cấp khoảng 141 km trên địa bàn TP. Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu với điểm đầu dự kiến tại Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ), điểm cuối dự kiến tại Km143+480.
Về quy mô, cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô giữ nguyên theo hiện trạng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.297 tỷ đồng, tương đương hơn 385 triệu USD. Trong đó, vốn vay của WB gần 6.252 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên; vốn đối ứng hơn 3.045 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng.
Dự án cải tạo nâng cấp 3 tuyến quốc lộ trên sẽ có thời gian thực hiện là 4,5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.
Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, đảm bảo ATGT, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ GTVT cũng cho biết, vào tháng 6/2023, đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với tổng mức đầu tư 7.158 tỷ đồng.
Sau đó, Cục Đường bộ VN đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản giữ nguyên phạm vi, quy mô, hướng tuyến như đề xuất dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên có một số nội dung thay đổi so với đề xuất dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyên nhân do tình hình thực tế gần đây các dự án thường mất hơn 2 năm từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để có thể hoàn thành đàm phán hiệp định vay vốn WB. Ngoài ra, trường hợp có sự khác biệt giữa quy định pháp luật trong nước và Ngân hàng Thế giới, cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội cho ý kiến trước khi ký kết Hiệp định, có khả năng sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư tăng khoảng 2.139 tỷ đồng, nguyên nhân chính dẫn đến tăng tổng mức đầu tư là do tăng chi phí xây dựng (tăng 956,34 tỷ đồng). Trong bước đề xuất dự án, chi phí xây dựng được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 65 ngày 20/1/2021. Tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí xây dựng được tính theo khối lượng thiết kế sơ bộ và đơn giá vật liệu, nhân công, máy tại thời điểm hiện nay.
Tăng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 840 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong bước đề xuất dự án, chi phí GPMB được tính theo khung giá đất của các địa phương tại thời điểm năm 2021.