ĐBSCL: Giữa mùa lũ lo chuyện hạn mặn

Thời điểm này của những năm trước, nước lũ đã tràn ngập các cánh đồng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, năm nay lũ vẫn chưa về, báo hiệu mùa khô năm 2020 sẽ vô cùng khốc liệt.

 Một cánh đồng khô hạn ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trung Chánh

Một cánh đồng khô hạn ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trung Chánh

Lũ vẫn chưa về!

Gần đây, có một số thông tin cho rằng lũ muộn đã về trên những cánh đồng ở các địa phương vùng ĐBSCL. Song, dữ liệu được Ủy ban sông Mêkông theo dõi cũng như kinh nghiệm thực tế của người dân trong vùng cho biết lũ vẫn chưa về.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, cho biết ông quan sát mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc vẫn thấy nước dao động lên xuống theo chu kỳ 8-10 ngày theo con nước rong (nước lớn), nước kém (nước ròng) hàng tháng, như vậy là vẫn còn ảnh hưởng lớn của thủy triều. Lẽ ra vào mùa này, lũ mạnh đổ về đã xóa mờ ảnh hưởng triều ở Tân Châu, Châu Đốc.

Năm nay vẫn thấy rõ sự dao động đó thì chứng tỏ nước ở trên về yếu. Điều này cũng trùng hợp với kinh nghiệm của người dân khi cho rằng con sông trước nhà vẫn còn “nước lớn, nước ròng”.

Dữ liệu theo dõi của Ủy ban sông Mêkông cũng cho thấy nước lũ vẫn chưa về, thậm chí năm 2019 có khả năng sẽ “mất mùa” lũ. Cụ thể, tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), dữ liệu được cập nhật vào ngày 13-9 cho thấy nước đang ở mức 3,06 mét và (dự báo) đến ngày 16-9 giảm xuống còn 3 mét, trong khi mực nước trung bình nhiều năm ghi nhận tại thời điểm ngày 13-9 là 5,57 mét. Muốn đạt mực nước lũ, trạm Chiang Saen ngày 13-9 phải đạt mực nước 12,8 mét.

Trong khi đó, ở trạm Tân Châu (An Giang), mực nước được ghi nhận vào ngày 13-9 đạt mức 3,31 mét và dự báo đến ngày 18-9 đạt 3,3 mét. Mực nước ngày 13-9 vẫn thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm được ghi nhận tại cùng thời điểm là 3,56 mét, và cũng thấp hơn rất nhiều so với mực nước lũ là 4,5 mét.

Với trạm Châu Đốc (An Giang), mực nước ghi nhận vào ngày 13-9 đạt 2,61 mét và dự báo đến ngày 18-9 đạt mức 2,63 mét. Mực nước hiện tại (ngày 13-9) thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm ghi nhận tại cùng thời điểm là 3,05 mét, và cũng thấp hơn mực nước lũ là 4 mét.

Nguyên nhân mất mùa lũ

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết sông Mêkông được chia làm hai đoạn. Đoạn qua địa phận Trung Quốc dài hơn 2.000 ki lô mét được gọi là Lan Thương Giang và bên dưới được gọi là Mêkông (có nghĩa là dòng sông mẹ vĩ đại trong tiếng Thái). Sông Mêkông qua Trung Quốc dù rất dài nhưng bề ngang vùng lưu vực khá hẹp, nên lượng nước không nhiều.

Cụ thể, phần của Trung Quốc đóng góp vào khoảng 16% lượng nước, phần của Myanmar đóng góp 2%. Còn lại 82% là ở hạ lưu vực, mà cụ thể phần Lào đóng góp đến 35%, Thái Lan và Campuchia, mỗi nơi đóng góp 18%, còn lại 11% là từ Tây Nguyên đổ xuống và mưa tại chỗ ở ĐBSCL.

“Thật ra thủy điện Trung Quốc tác động chủ yếu tới vấn đề phù sa và cát tại ĐBSCL. Lượng nước không phải là chuyện chính, nó chỉ thành vấn đề vào những năm khô hạn, mưa ít”, ông Thiện nhận định.

Vị chuyên gia này cho biết phần lớn lượng nước về ĐBSCL từ phần hạ lưu vực, mà nước ở hạ lưu phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. “Năm nay, El Nino xảy ra nên lượng mưa rất thấp. Đây là nguyên nhân số một khiến ĐBSCL không có lũ”, ông nói.

Trong khi đó, đối với các đập thủy điện, theo ông Thiện, có ba tình huống xảy ra. Những năm lũ bình thường thì thủy điện tích nước mùa lũ, xả ra mùa khô để phát điện, tức nó làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn. Những năm lũ cao, nhiều nước quá thì thủy điện khi đầy nước phải xả, gây ra lũ chồng lũ.

Còn những năm khô hạn, mưa ít thì thủy điện tích nước sẽ làm thiếu nước bên dưới. “Đập trên xả ra thì đập thứ hai bên dưới mới có nước để tích, đập thứ hai xả thì đập thứ ba mới có nước để tích, cứ như thế thì nước đi qua chuỗi đập rất lâu. Đập thủy điện làm hiện tượng cực đoan trở nên cực đoan hơn”, ông nêu nhận xét.

Xuống giống sớm “né” hạn mặn

Trao đổi với TBKTSG về câu chuyện hạn mặn trong mùa khô 2020, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng các dự báo về tình hình thời tiết, khí tượng cho đến thời điểm này vẫn chưa chắc chắn.

“Mùa khô sắp tới (2020) có cực đoan như mùa khô năm 2016 hay không vẫn chưa chắc chắn. Đến khoảng cuối tháng 9 này, khi có đầy đủ dữ liệu của Ủy hội sông Mêkông cũng như các dự báo của thế giới mới có thể khẳng định”, ông Tùng nhận xét.

Tuy nhiên, ông Tùng cho biết kể từ tháng 7-2019, ngành nông nghiệp đã có những thông tin cảnh báo. “Tại hội nghị về triển khai sản xuất ở Hậu Giang vào tháng 7-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xuống giống và thu hoạch sớm vụ thu đông 2019 để đẩy nhanh xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 vào tháng 10-2019 ở các tỉnh ven biển ĐBSCL”, ông Tùng nói.

Cụ thể, vụ đông xuân 2019-2020, các địa phương ven biển sẽ tăng diện tích xuống giống sớm khoảng 200.000-250.000 héc ta so với cùng kỳ, tức đạt 350.000-400.000 héc ta.

Về mặt phi công trình, theo ông Tùng, ngành nông nghiệp cũng đã cho in ấn các tài liệu sử dụng nước cho cây lúa, cây ăn trái. “Sắp tới đây, chúng tôi in thêm tài liệu sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản và những thông tin tổng quan về tình hình mặn của năm nay để gửi cho bà con nông dân”, ông nói.

Tuy nhiên, khi TBKTSG đặt câu hỏi về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL chủ động ứng phó hạn mặn hay chưa thì ông Tùng cho rằng do đã gần thời điểm tổ chức hội nghị triển khai tình hình sản xuất vụ đông xuân (dự kiến cuối tháng 9-2019) nên cũng “ngại” ra văn bản chỉ đạo.

Trong khi đó, ông Thiện dẫn báo cáo của Cơ quan Đại dương và Khí tượng Mỹ cho biết El Nino đã chấm dứt và chuyển sang tình trạng ENSO trung tính, tức là hết khô hạn khắc nghiệt, mưa trở lại bình thường. “Nhưng, chuyện mưa ít từ đầu năm đến giờ làm cho nước sông thấp sẽ để lại hậu quả”, ông nói và nhận định rằng nếu không có mưa tăng đột biến từ nay đến cuối năm thì sang đỉnh điểm mùa khô vào tháng 3-2020 hạn mặn có thể gay gắt hơn cả năm 2016.

Trong bối cảnh như vậy, người dân trong vùng lũ có thể chịu nhiều ảnh hưởng như mất nguồn lợi thủy sản, phù sa không có, sản xuất lúa thất bại, các làng nghề sản xuất ngư cụ không bán được sản phẩm... Do đó, việc cảnh báo sớm cho người dân chủ động ứng phó với hạn mặn là điều rất cần thiết.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294184/dbscl-giua-mua-lu-lo-chuyen-han-man-.html