ĐBSCL huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên
Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên đang diễn ra tại tỉnh Cà Mau.
Chiều 21/3, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cùng khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh, thành ĐBSCL, các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng.
Trong đó, mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần phải được quan tâm và sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất, nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ĐBSCL có một số mô hình thuận thiên triển khai mang lại hiệu quả như: Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, mô hình lúa tôm; mô hình nuôi tôm kết hợp nuôi sò huyết, nuôi tôm siêu thâm canh lót bạt tuần hoàn kín....
Các mô hình này theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau là phù hợp với định hướng phát triển vùng.
Tuy nhiên, để việc sản xuất thuận thiên đạt hiệu quả cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ. Mặt khác, các tỉnh ĐBSCL đòi hỏi phải có liên kết sản xuất vùng và mở rộng liên kết ngay tại địa phương.
“Địa hình có thể bị chia cắt, sản xuất có thể manh mún nhưng không gian kinh tế vùng ĐBSCL không thể bị chia cắt”, ông Sử nêu quan điểm.
Thay mặt các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Lê Văn Sử kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL (cơ chế ứng phó sạt lở, biến đổi khí hậu, ứng xử kịp thời thiên tai...); đồng thời có định chế tài chính cụ thể đầu tư hệ thống nước ngọt cho vùng ĐBSCL góp phần sản xuất thuận thiên hiệu quả.
Thông qua hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Australia, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước đều đã cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
Song song đó là thúc đẩy mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL... Để từ đó phát triển các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng.
Tại hội nghị, các đề xuất về giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam cũng được các đại biểu chia sẻ, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng Sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.