ĐBSCL: Nhiều nơi độ mặn tăng đến 9,5‰, nông dân cẩn trọng lấy nước tưới cây trồng

Ngày 8-5, theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, khu vực ĐBSCL chính thức bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có sự xen kẽ giữa nắng nóng ban ngày và mưa rào kèm theo dông vào chiều tối.

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL đã vượt qua thời kỳ cao điểm và đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, do lượng nước từ thượng nguồn về còn thấp và mùa mưa đến muộn, xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng 5, đặc biệt là trên sông Vàm Cỏ Tây. Hiện chiều sâu ranh mặn 4‰ trên các cửa sông Cửu Long trên dưới 30km. Tuy nhiên, nồng độ mặn vẫn tăng cao ở một số khu vực.

 Đóng cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ - Hậu Giang

Đóng cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ - Hậu Giang

Tại Hậu Giang, nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ những ngày qua đang có xu hướng tăng mạnh, có nơi đến 9,5‰. Địa phương đã khẩn trương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống, các trạm bơm điện, bơm dầu… và có kế hoạch trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Hè - Thu đã xuống giống, các vùng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản.

Bên cạnh đó cũng khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương vườn và sử dụng nước tiết kiệm. Có lịch xuống giống tránh hạn, mặn; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; xây dựng nhiều mô hình sinh kế phù hợp, nhất là các vùng có khả năng mặn xâm nhập cao.

 Hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) đi vào vận hành giúp hàng trăm ngàn héc-ta đất nông nghiệp vùng hạ lưu ĐBSCL ổn định và chủ động sản xuất

Hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) đi vào vận hành giúp hàng trăm ngàn héc-ta đất nông nghiệp vùng hạ lưu ĐBSCL ổn định và chủ động sản xuất

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến nghị, vùng giữa ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước. Khi lấy nước tưới cho cây trồng, người dân cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Riêng đối với vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng.

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-nhieu-noi-do-man-tang-den-95-nong-dan-can-trong-lay-nuoc-tuoi-cay-trong-post794237.html