ĐBSCL quyết cải thiện PCI

Năm 2021, nhiều điểm chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) sụt giảm so với năm 2020 nên các địa phương ở ĐBSCL khẩn trương xây dựng kế hoạch cải thiện, nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt nhất

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết các địa phương vùng ĐBSCL tăng hạng về chỉ số PCI 2021 gồm: Tiền Giang 12 bậc, Cà Mau 11 bậc, Bạc Liêu 8 bậc, Kiên Giang 2 bậc, An Giang 2 bậc, Hậu Giang 1 bậc. Các địa phương tụt hạng gồm: Vĩnh Long 17 bậc, Long An 13 bậc, Bến Tre 10 bậc, Trà Vinh 3 bậc, Sóc Trăng 3 bậc, Đồng Tháp 1 bậc; riêng Cần Thơ không thay đổi thứ hạng, vẫn xếp thứ 12.

Chất lượng lao động thấp

Theo bà Hương, thời gian qua, ĐBSCL cải cách rất mạnh một số chỉ số thành phần trong PCI. Tuy nhiên, các chỉ số này đóng góp rất nhỏ vào việc tăng điểm PCI. Trong khi đó, các chỉ số đào tạo lao động, tính minh bạch, chính sách phục vụ doanh nghiệp (DN) thì một số địa phương ĐBSCL còn hạn chế.

ĐBSCL cần nâng cao chất lượng lao động để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp .Ảnh: NGỌC TRINH

ĐBSCL cần nâng cao chất lượng lao động để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp .Ảnh: NGỌC TRINH

Bà Hương phân tích: "Trong một năm dịch Covid-19 diễn ra, tỉ lệ DN hài lòng về chất lượng lao động ĐBSCL đã sụt giảm mạnh, từ trên 90% chỉ còn xấp xỉ 56%. Chỉ số đào tạo lao động của TP Cần Thơ liên tục giảm trong 3 năm gần đây, trong khi chỉ số thành phần này chiếm 20% trong PCI. Theo kết quả thống kê, tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc tại Cần Thơ đã qua đào tạo xếp cao nhất vùng, song khối DN tư nhân vẫn chưa hài lòng với chất lượng dạy nghề cũng như tuyển dụng cán bộ kỹ thuật. Rất mong lãnh đạo địa phương quan tâm hơn về chất lượng đào tạo".

Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đồng Tháp, cho biết năm 2020, địa phương này có 6 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước nhưng chỉ xếp thứ 2 về PCI, do chỉ số đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ DN của Đồng Tháp thua Quảng Ninh.

"Các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề ở địa phương đã mua máy móc, thiết bị phục vụ một số ngành nghề như: da giày, may mặc, chế biến thức ăn, thủy sản... Tuy nhiên, những ngành nghề còn lại phải đào tạo tại DN" - ông Châu nêu khó khăn.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay trong 5 năm trở lại đây, PCI của địa phương có lúc tăng lúc giảm với biên độ không nhiều, xếp hạng luôn xoay quanh vị trí 10-12 cả nước. Điều đó cho thấy sự ổn định trong việc cải thiện và duy trì điểm số, thứ hạng PCI của Cần Thơ ở mức tốt.

"Dù môi trường đầu tư của Cần Thơ có sự cải thiện tích cực nhưng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, thủ tục hành chính giải quyết chưa đúng hạn, ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân, đồng thời ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh, chiến lược phát triển kinh tế của DN. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ pháp lý cho DN vẫn còn" - ông Trường nhận xét.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng để cải thiện PCI, địa phương này cần tập trung nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực đầu tư. Trong đó, ông Trường giao trách nhiệm cho Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp cận, hỗ trợ DN hiệu quả; gắn với việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của DN để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Trong khi đó, tại Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đã giao Sở KH-ĐT cùng một số sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cải thiện PCI; đồng thời phân tích từng nội dung, chỉ số thành phần nào trong năm qua còn hạn chế và tăng chậm để tập trung củng cố, phân công cụ thể từng ngành, đơn vị.

"Đơn cử chỉ số tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian thì điểm số năm 2021 giảm nhẹ so với năm 2020. Vì vậy, tỉnh sẽ giao từng sở liên quan phụ trách để chịu trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục. Trà Vinh đã thành lập tổ hỗ trợ DN. Khi DN gặp khó khăn hay cần thủ tục gì thì tổ này sẽ tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ" - ông Hẳn nhấn mạnh.

Trả kết quả đăng ký doanh nghiệp trong 1 ngày

Sở KH-ĐT TP Cần Thơ vừa thí điểm mô hình trả kết quả đăng ký DN trong thời gian 1 ngày làm việc. Cụ thể, đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận 1 cửa, áp dụng cho các thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh; thay đổi bổ sung, cập nhật số điện thoại, địa chỉ do thay đổi địa giới hành chính. Đối với hồ sơ nộp trực tuyến tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, áp dụng cho các thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh. Đối với hồ sơ hợp lệ, thời gian tiếp nhận từ 7-11 giờ thì giải quyết trả kết quả chậm nhất vào 16 giờ trong ngày; tiếp nhận từ 13-17 giờ thì giải quyết trả kết quả chậm nhất vào 10 giờ hôm sau.

Theo Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, với thủ tục này, trước đây thời gian tiếp nhận, trả kết quả là trong 3 ngày làm việc. Nhờ rút ngắn quy trình xử lý nội bộ nên thời gian trả kết quả giảm còn 1 ngày.

CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay/dbscl-quyet-cai-thien-pci-2022071019064881.htm