ĐBSCL: Tìm giải pháp đồng bộ trong quản lý và sử dụng rơm rạ

'Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và giảm phát thải carbon, đòi hỏi chúng ta cần phải có các giải pháp đồng bộ trong quản lý và sử dụng rơm rạ nhằm xử lý triệt để vấn đề đốt rơm rạ trên đồng', ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Ngày 14-7, tại Hậu Giang, Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT Hậu Giang phối hợp tổ chức sự kiện trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững.

HIện nay sau khi thu hoạch lúa, tình trạng nông dân miền Tây đốt rơm trên đồng vẫn còn khá phổ biến

HIện nay sau khi thu hoạch lúa, tình trạng nông dân miền Tây đốt rơm trên đồng vẫn còn khá phổ biến

Sự kiện nhằm giới thiệu việc cơ giới hóa trong thu gom rơm sau thu hoạch và các công nghệ xử lý chế biến rơm tạo các sản phẩm xanh và phát thải thấp.

Theo IRRI, trong khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm, mới chỉ khoảng hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây…; phần lớn còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng (hiện mỗi năm Việt Nam đốt khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ).

Các vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua giải pháp kinh tế tuần hoàn dựa trên rơm rạ, thu rơm ra khỏi đồng và sử dụng để sản xuất các sản phẩm như nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị... nhằm tối đa tuần hoàn nguyên liệu trong sản xuất, tất cả có thể là chính phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Máy trộn rơm để làm phân hữu cơ được trình diễn tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Máy trộn rơm để làm phân hữu cơ được trình diễn tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

“Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và giảm phát thải carbon, đòi hỏi chúng ta cần phải có các giải pháp đồng bộ trong quản lý và sử dụng rơm rạ nhằm xử lý triệt để vấn đề đốt rơm rạ trên đồng. Đây cũng là vấn đề được ngành nông nghiệp tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL quan tâm đặt ra khi tham gia góp ý xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, phụ phẩm nông nghiệp là một tài nguyên cần phải phát huy để nâng cao giá trị, giúp bà con nâng cao thu nhập. Hiện nay, sản xuất lúa Việt Nam đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, tương đương lượng rơm rạ đưa ra môi trường trên 40 triệu tấn, trong đó, vùng ĐBSCL chiếm hơn một nửa, lượng rơm rạ rất lớn này cần phải tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo.

Gần đây, IRRI đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các đối tác liên quan triển khai các giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam, tổ chức các sự kiện trình diễn đồng ruộng về cơ giới hóa gieo sạ chính xác, các công nghệ và thiết bị hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn như cơ giới hóa thu gom rơm khô và rơm ướt, sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm…

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-tim-giai-phap-dong-bo-trong-quan-ly-va-su-dung-rom-ra-post697409.html