ĐBSCL 'vừa chạy, vừa xếp hàng' dồn tổng lực cho cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy

Tại vùng ĐBSCL (Long An sắp xếp về vùng Đông Nam Bộ), 12 tỉnh, thành được sắp xếp thành 5 tỉnh, thành. Vùng đất 'Chín rồng' đã sẵn sàng đón thời khắc lịch sử và tiếp tục khắc phục khó khăn để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các tầng lớp nhân dân rất ủng hộ chủ trương này.

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đã được Trung ương Đảng đề ra từ năm 2017 với Nghị quyết 18-NQ/TW; gần đây là Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 2/2025, đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy. Các tỉnh vùng ĐBSCL đã triển khai quyết liệt, hiệu quả và đảm bảo tiến độ chủ trương sáp nhập tỉnh, thực hiện địa phương 2 cấp. Các tầng lớp nhân dân rất ủng hộ chủ trương này.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sắp xếp tỉnh, thành. Tại vùng ĐBSCL (Long An sắp xếp về vùng Đông Nam Bộ), 12 tỉnh, thành được sắp xếp, sáp nhập thành 5 tỉnh, thành. Vùng đất “Chín rồng” đã sẵn sàng đón thời khắc lịch sử và tiếp tục khắc phục khó khăn để bước vào “kỷ nguyên mới” của dân tộc.

Nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (CQTT KV ĐBSCL) thực hiện loạt bài “ĐBSCL thực hiện cuộc cách mạng bằng quyết tâm lớn để bước vào kỷ nguyên vươn mình” để thấy rõ quyết tâm của các địa phương trong việc thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn nhằm tạo động lực, tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Tuy vậy, còn đó các vấn đề tồn tại cần tháo gỡ để bộ máy địa phương 2 cấp thực sự hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bài 1: "Vừa chạy vừa xếp hàng" - ĐBSCL tổng lực cho cuộc cách mạng lịch sử

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng và Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang vừa qua nêu trọng tâm: “Coi sáp nhập là một cơ sở lịch sử để thiết kế lại hệ thống chính quyền tinh gọn hơn, thông minh hơn, gắn kết hơn nhằm vượt qua những điểm nghẽn chia cách hành chính, manh mún phát triển đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Quá trình tổ chức sáp nhập thành phố phải mang tinh thần cải cách sâu sắc, tạo được đồng thuận và niềm tin trong xã hội".

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ TP Cần Thơ và Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, Sóc Trăng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ TP Cần Thơ và Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, Sóc Trăng

Các địa phương chạy đua với thời gian

Lời chỉ đạo của Tổng Bí thư đã thấm nhuần đến từng địa phương. Từ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận,… tất cả đều đang dốc sức, khẩn trương với tinh thần “Vừa chạy vừa xếp hàng” nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả tiến độ của một quyết sách mang tính lịch sử.

Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ (cũ) cho biết, có áp lực thời gian nhưng TP.Cần Thơ cùng tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đều thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất: “Ban chỉ đạo chung của ba tỉnh, thành phố đã thành lập 6 tổ giúp việc để thực hiện những cái nhiệm vụ cụ thể; ban hành kế hoạch, quy chế hoạt động; hàng tuần đều phải có báo cáo những công việc phải làm hoặc những cái khó khăn, vướng mắc gì thì sẽ xin ý kiến Ban chỉ đạo để giải quyết. Trên cơ sở đó phải đảm bảo cái tiến độ, đúng theo cái định hướng của Trung ương đi vào hoạt động thông suốt, không để ách tắc những công việc”.

TP Cần Thơ đã triển khai rất khẩn trương việc sáp nhập tỉnh

TP Cần Thơ đã triển khai rất khẩn trương việc sáp nhập tỉnh

Ở vùng đất Cuối trời - Cà Mau, tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" cũng được thể hiện rõ. Ông Trần Bửu Nhân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau (cũ) cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương sắp xếp, tỉnh Cà Mau đã chủ động phối hợp Bạc Liêu vào cuộc. Có những nội dung công việc phải làm cả đêm để hoàn thành; có những cuộc họp lãnh đạo tỉnh đang họp ngoài trung ương, phải kết nối trực tuyến để đảm bảo tiến độ.

“Xây dựng lịch công việc cụ thể, trong đó xác định nhiệm vụ và thời gian thực hiện của từng cơ quan, từng tỉnh trước và sau khi Đề án Sắp xếp tỉnh được Quốc hội thông qua. Quá trình thực hiện, UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, kịp thời nắm bắt, trao đổi để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, Đề án sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau đã được khẩn trương hoàn thiện, thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và trình Chính phủ trước ngày 1/5 và được Quốc hội thông qua”, ông Nhân cho biết.

Tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu phối hợp tốt để xây dựng các đề án sáp nhập

Tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu phối hợp tốt để xây dựng các đề án sáp nhập

Rộng không gian, mở tương lai

Sự thể hiện quyết tâm của các địa phương trong vùng ĐBSCL còn đến từ sự thấu hiểu và đồng lòng “cùng nhìn xa về một hướng”. Bởi sáp nhập các địa phương sẽ tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Sáp nhập sẽ xóa bỏ những ranh giới hành chính hẹp, tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn hơn, kết nối mạnh mẽ hơn. Điều dễ nhận thấy nhất là thị trường nội tỉnh nay đã rộng gấp 2-3 lần so với trước.

Đơn cử như Vĩnh Long, trước khi sáp nhập có diện tích 1.525km2, nhỏ thứ hai trong vùng ĐBSCL. Lãnh đạo tỉnh nhận thấy rõ sự bó buộc, thiếu tiềm lực phát triển do quy mô nhỏ.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này là một bước đi rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của vùng ĐBSCL nói chung và địa phương tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Nếu thực hiện tốt vấn đề này, đây sẽ là một cú hích mạnh mẽ để chúng ta tái cấu trúc nền hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hiện đại”.

Vĩnh Long khi chưa sáp nhập, có diện tích nhỏ thứ 2 vùng ĐBSCL, thiếu không gian phát triển

Vĩnh Long khi chưa sáp nhập, có diện tích nhỏ thứ 2 vùng ĐBSCL, thiếu không gian phát triển

Nhìn lại quá khứ, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ từng là một tỉnh mang tên Hậu Giang. Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, diện tích quá lớn gây bất cập trong quản lý và phát triển, tỉnh Hậu Giang đã được chia tách. Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển, các tỉnh thành nay lại đối mặt với thách thức thiếu không gian và điều kiện để vươn mình. TP Cần Thơ, với diện tích khoảng 1.440km2, là đơn vị cấp tỉnh nhỏ nhất vùng ĐBSCL; Hậu Giang cũng là tỉnh nhỏ thứ ba với 1.622km2 và dân số thấp nhất vùng, với khoảng 728.000 người.

Ông Lư Văn Điền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cần Thơ cho rằng, sắp xếp, sáp nhập lại các tỉnh là rất cần thiết để có không gian đủ lớn, cùng với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước sẽ tạo đột phá.

“Nếu không sắp xếp lại bộ máy này, không có cuộc cách mạng về bộ máy tổ chức này thì chúng ta không thể vươn mình để đạt những mục tiêu cao hơn được. Năm nào cũng nhích lên chút, bây giờ phải nhích lên gấp bao nhiêu lần, muốn vậy bộ máy phải gọn, lại phải tinh túy, phải mạnh, phải đủ năng lực, đủ hiệu lực, hiệu quả thì mới đáp ứng được”, theo ông Điền.

Cần Thơ sau sáp nhập được kỳ vọng phát triển mạnh, dẫn dắt các tỉnh trong vùng ĐBSCL bứt phá

Cần Thơ sau sáp nhập được kỳ vọng phát triển mạnh, dẫn dắt các tỉnh trong vùng ĐBSCL bứt phá

ĐBSCL tăng sức hút, tăng thương hiệu

Sau sáp nhập, tỉnh có diện tích nhỏ nhất ĐBSCL là Đồng Tháp cũng đạt hơn 5.900km2, dân số các tỉnh đều xấp xỉ 3-4 triệu người. Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, sáp nhập sẽ tạo ra sự phát triển ở các lĩnh vực, với quy mô lớn để quy hoạch liên hoàn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Điều này còn góp phần nâng tầm và tăng sức tương hỗ để phát huy những giá trị di sản độc đáo trong vùng như: đờn ca tài tử, lễ hội Oóc Om Bóc, văn hóa sông nước miệt vườn… Sức hút văn hóa và thương hiệu của vùng ĐBSCL cũng tăng lên.

Ông Hiệp cho biết thêm: “Không gian kinh tế, hạ tầng được mở rộng và kết nối mạnh mẽ hơn. Tôi xem đây là cú hích để vùng bức tốc trong nền kinh tế số, kinh tế xanh mà chúng ta đang hướng tới. Sức hút đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế,… dự báo sẽ tăng vọt và được hệ thống hóa thành thương hiệu của vùng; góp phần tạo dựng lên sức mạnh mềm”.

Việc sáp nhập các tỉnh trong vùng ĐBSCL không chỉ là một chủ trương cải cách hành chính của Đảng mà còn là một quyết sách mang tính chiến lược, tạo ra các tỉnh, thành có quy mô lớn hơn, tiềm lực phát triển mạnh mẽ hơn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, là để: "Thiết kế lại hệ thống chính quyền tinh gọn hơn, thông minh hơn nhằm vượt qua những điểm nghẽn chia cách". Công cuộc thực hiện sáp nhập tỉnh, thành tại khu vực ĐBSCL mang theo kỳ vọng phát huy tối đa thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, du lịch và kết nối giao thương trong vùng và với các vùng lân cận.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbscl-vua-chay-vua-xep-hang-don-tong-luc-cho-cuoc-cach-mang-sap-xep-bo-may-post1211062.vov