'Sắp xếp lại giang sơn' – Sức mạnh đồng thuận vì tương lai Việt Nam hùng cường
Hôm nay, ngày 1/7/2025, cả nước Việt Nam chính thức chuyển mình sang một kỷ nguyên quản trị mới: bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đồng loạt vận hành tại 34 tỉnh, thành phố. Đây là một thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc, một dấu mốc lịch sử được ví như cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' để kiến tạo tương lai.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Nghị quyết, quyết định thành lập Thành phố, Đảng bộ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lê/HNM
Bước ngoặt lịch sử và khí thế toàn dân tộc
Chúng ta đang chứng kiến bằng niềm tự hào sâu sắc một quyết định cải cách hành chính có quy mô lớn nhất kể từ Đổi mới năm 1986. Việc sáp nhập hàng chục tỉnh, thành và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp không chỉ đơn thuần thu gọn bộ máy, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm mở ra những “không gian phát triển mới” cho đất nước, đặt nền tảng thể chế để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Không khí hân hoan lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Từ trong nước đến ngoài nước, đồng bào ta đều chung một nhịp đập hướng về sự kiện lịch sử trọng đại này. Cuộc "sắp xếp lại giang sơn" vĩ đại này nhận được sự đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân, đó là tiền đề thuận lợi để đi tới thành công. Quả thật, ý Đảng đã gặp lòng dân: người dân thấu hiểu, đồng thuận, ủng hộ chủ trương táo bạo, bởi mục tiêu cuối cùng chính là vì sự phồn vinh chung của đất nước và hạnh phúc lâu dài của Nhân dân.
“Sắp xếp lại giang sơn” – tầm nhìn mới cho phát triển
Thông điệp “sắp xếp lại giang sơn” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đã gợi mở tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của quyết sách lần này. Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính, mà là bước tái định hình không gian phát triển quốc gia một cách hiệu quả và bền vững. Bước đi này nhằm khắc phục tình trạng phát triển manh mún, cục bộ trước đây khi “không gian phát triển bị cắt vụn theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập; đầu tư dàn trải chưa hình thành rõ các vùng động lực dẫn dắt tăng trưởng”. Sau gần 40 năm Đổi mới, mô hình cũ bắt đầu bộc lộ những hạn chế nói trên, đòi hỏi một tư duy mới mang tính chiến lược, tổng thể trên phạm vi cả nước. Cuộc “sắp xếp lại giang sơn” lần này chính là lời giải, một cuộc cách mạng về tổ chức để khai thông những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, khơi dậy tiềm năng các vùng miền và tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
Với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta đang hình thành nên những cực tăng trưởng mở rộng có quy mô đủ lớn để phát huy lợi thế bổ trợ giữa các vùng. Những cặp tỉnh hợp nhất như Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh – Bắc Giang, Thái Bình – Hưng Yên… sẽ tạo ra vùng liên kết kinh tế mạnh, xóa bỏ rào cản hành chính và cạnh tranh manh mún trước đây. Việc hợp nhất này không phải cộng gộp đơn thuần về diện tích hay dân số, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ công bố nghị quyết ở Thành phố Hồ Chí Minh: “Việc hợp nhất không gian ba địa phương không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị – trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới”.
Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng (khi nhập thêm Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) giờ đây trở thành một đô thị hơn 14 triệu dân với nguồn lực, tiềm năng vượt trội, sẵn sàng vươn mình thành “điểm hẹn” của châu Á và thế giới. Việc hợp nhất ba địa phương này là kết quả của tầm nhìn dài hạn, tạo nên không gian phát triển mới có tính đồng bộ, bền vững, khoa học, thể hiện rõ tư duy chiến lược trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn, gần dân hơn và hiệu quả hơn.
Tương tự, ở phía Bắc, quyết định sáp nhập tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng đã hình thành một thực thể hành chính mới (mang tên Thành phố Hải Phòng) với vị thế và nguồn lực mạnh chưa từng có. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là quyết định mang tầm chiến lược và ý nghĩa lịch sử, góp phần hình thành nên một cực tăng trưởng mới của vùng đồng bằng sông Hồng, tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, nguồn nhân lực và các lợi thế của hai địa phương. Thành phố Hải Phòng mới giờ hướng tới tầm vóc một đô thị thông minh, hiệu quả, đa chức năng, một trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ hàng đầu. Sự kết hợp giữa một Hải Phòng vốn sôi nổi, dẫn đầu về công nghiệp và một Hải Dương giàu truyền thống văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp “1 + 1 > 2”, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để dẫn dắt cả vùng phát triển. Thủ tướng đã biểu dương tinh thần chủ động, bài bản của hai địa phương trong tổ chức sáp nhập bộ máy, sắp xếp nhân sự và ổn định tổ chức mới một cách nhanh chóng. Điều này cho thấy, với sự chuẩn bị nghiêm túc và quyết tâm chính trị cao, các địa phương hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội sáp nhập để “biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành sức bật”, như báo Khánh Hòa nhận định về trường hợp sáp nhập tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận.
Nhìn rộng ra cả nước, việc hình thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) mang ý nghĩa tái cơ cấu toàn diện hệ thống chính quyền địa phương. Thay vì 63 tỉnh thành phân mảnh, nay Việt Nam có những tỉnh/thành quy mô lớn hơn, đủ tầm vóc kết nối liên vùng, liên khu vực và cạnh tranh trên bản đồ kinh tế khu vực, quốc tế. Chủ trương cũng khuyến khích sáp nhập tỉnh miền núi với đồng bằng, vùng không có biển với vùng duyên hải, để các địa phương bổ sung thế mạnh cho nhau và cùng phát triển hài hòa. Đây chính là biểu hiện của tư duy quy hoạch “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” ở tầm quốc gia: phát huy lợi thế của từng vùng, đồng thời hỗ trợ các địa phương khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các miền
Thực tế, các tỉnh sau sáp nhật có quy mô lớn hơn, nguồn lực tập trung hơn để thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cải thiện đời sống nhân dân. Bộ máy mới hợp nhất cũng giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất đai, nguồn nước, ngân sách…), tránh lãng phí do trùng lặp chức năng trước đây.
Như vậy, “sắp xếp lại giang sơn” khẳng định rõ ràng nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên những tính toán cục bộ, bảo đảm sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, để toàn dân cùng chung sức viết tiếp trang sử mới cho đất nước.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên chính quyền hai cấp đi vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Tinh gọn bộ máy, chính quyền gần dân và vì dân
Cùng với việc tái sắp xếp địa giới, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã/phường) đánh dấu một bước cải cách sâu rộng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Sau hơn 8 thập niên vận hành mô hình ba cấp (từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 đến nay), giờ đây Việt Nam chuyển sang hệ thống hai cấp – một sự thay đổi mang tính bước ngoặt về tư duy quản trị. Việc kết thúc hoạt động cấp trung gian (huyện, quận) được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân, giảm bớt các tầng nấc hành chính không cần thiết - vốn có thể là nguyên nhân làm chậm trễ việc phản hồi và thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển từ mô hình ba cấp sang hai cấp không chỉ để tinh giản bộ máy, mà còn để tăng tốc độ phản ứng chính sách, nâng cao tính minh bạch và khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vốn đôi khi xảy ra trong hệ thống cũ. Khi không còn độ trễ do trung gian, các quyết sách từ Trung ương và tỉnh sẽ đến thẳng cơ sở nhanh hơn; đồng thời, những tâm tư nguyện vọng và phản ánh của người dân cơ sở cũng được chuyển tới cấp quyết định một cách kịp thời hơn. Chính quyền gần dân hơn đồng nghĩa với hiệu quả quản trị cao hơn, bởi người dân được lắng nghe, được phục vụ nhanh chóng hơn, sát thực hơn.
Đi đôi với việc giảm cấp, Nhà nước đồng thời tập trung nguồn lực – cả nhân lực và tài chính – vào cấp cơ sở nhằm phục vụ Nhân dân tốt nhất. Những cán bộ, công chức có trình độ, năng lực cao sẽ được bố trí tại cấp tỉnh và xã/phường, thay vì dàn trải qua nhiều tầng nấc. Cấp huyện trước đây, vốn tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nghẽn” quan liêu hoặc làm kéo dài thời gian xử lý, nay được thay bằng các trung tâm điều phối hiện đại, kết nối dữ liệu trong quản lý. Thay cho con dấu và giấy tờ hành chính rườm rà, chính quyền hai cấp sẽ ứng dụng chuyển đổi số, chính quyền điện tử nhằm tăng tốc xử lý thủ tục, minh bạch hóa quy trình và nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng các giao dịch hành chính sẽ được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Đây chính là mục tiêu xây dựng chính quyền số, quản trị số, đô thị thông minh mà cuộc cải cách này hướng tới để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Quyết tâm cải cách đã được khẳng định dứt khoát qua lời của Tổng Bí thư: “Quan trọng hơn hết, nhà nước, chính quyền phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất, đến tận người dân, doanh nghiệp”. Phát biểu mạnh mẽ này cho thấy trọng tâm của cải cách bộ máy chính là hướng về người dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả. Một nền hành chính vận hành vì dân sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc của xã hội vào chính quyền.
Tại lễ công bố ở TP Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường cũng khẳng định cải cách lần này thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Đảng, Nhà nước trong xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Ông đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chuyển mạnh từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đây sẽ là nền tảng để chính quyền các cấp “đổi mới phương thức lãnh đạo, quản trị”, vận hành đồng bộ và thông suốt trong điều kiện mới.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, vận hành thông suốt ngay từ đầu
Một chủ trương lớn như sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, các địa phương trong diện sáp nhập đã sớm xây dựng phương án tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, nâng cấp hạ tầng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân dân.
Trên thực tế, trong suốt nhiều tháng qua, nhiều địa phương đã thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng. Chẳng hạn, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong thí điểm vận hành mô hình hai cấp từ giữa tháng 6/2025, như một “cuộc tổng diễn tập” trước giờ G. Nhờ sự chủ động này, ngay ngày đầu triển khai thí điểm, mọi dịch vụ hành chính công tại Quảng Ninh vẫn diễn ra suôn sẻ, người dân gần như không cảm nhận bất kỳ sự xáo trộn nào. Bộ máy mới chạy song song với bộ máy cũ, các công chức được đào tạo bài bản và điều chuyển hợp lý, bảo đảm “không một ngày gián đoạn” trong phục vụ nhân dân. Nhiều người dân tại Hạ Long cho biết, hồ sơ của họ vẫn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả dù là ngày đầu áp dụng mô hình mới, điều đó tạo niềm tin lớn vào thành công của cải cách.
Tương tự, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều có những bước chạy đà kỹ lưỡng: rà soát từng thủ tục hành chính, nâng cấp hạ tầng số, tập huấn cán bộ ở xã/phường tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khen ngợi sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng trong việc triển khai sáp nhập, đạt đồng thuận cao trong nhân dân dù phải xử lý nhiều khác biệt về văn hóa, địa lý…
Những ví dụ sinh động đó càng củng cố niềm tin rằng cuộc cải cách lần này đã được chuẩn bị công phu, bài bản và chắc chắn sẽ gặt hái thành công.
Khát vọng 2045 – Cùng nhìn về một hướng
“Sắp xếp lại giang sơn” không phải điểm kết thúc, mà chính là khởi đầu cho một chặng đường mới đầy hứa hẹn trên con đường phát triển của dân tộc. Tại lễ công bố ở TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là bước chuyển mình chiến lược đáp ứng đòi hỏi tất yếu của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng các vùng động lực phát triển, để xứng đáng với khát vọng “Việt Nam hùng cường vào năm 2045”.
Mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 – tròn 100 năm lập nước – là một cam kết lịch sử của thế hệ lãnh đạo hiện nay với Nhân dân. Muốn hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta không thể đi những bước chậm rãi, nhỏ lẻ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Việc tinh gọn bộ máy và tái tổ chức không gian phát triển lần này chính là cú hích mạnh mẽ để Việt Nam bứt phá khỏi quỹ đạo trung bình, bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Như lời Tổng Bí thư, cải cách thể chế, xây dựng chính quyền hiệu quả và liên kết vùng sâu rộng chính là chìa khóa giúp Việt Nam tái hiện thành công của những “con hổ châu Á” như Hàn Quốc, Singapore trong vài thập kỷ trước. Hành trình phía trước chắc chắn sẽ có không ít thách thức. Việc sáp nhập tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện rồi đây đòi hỏi quá trình hoàn thiện pháp luật, điều chỉnh bộ máy, phân bổ lại nguồn lực, giải quyết tâm tư tình cảm địa phương…
Khi ý Đảng hợp lòng dân, khi trên dưới một lòng, chúng ta tin không có trở ngại nào là không thể vượt qua. Tổng Bí thư Tô Lâm đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân hãy đoàn kết, chung sức đồng lòng, hành động quyết liệt, sáng tạo và kỷ luật vì mục tiêu chung. Mỗi người dân Việt Nam, dù ở cương vị nào, hãy tự nhắc mình về trách nhiệm trước Tổ quốc, đóng góp một viên gạch trên công trường xây dựng đất nước mới.
Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, chúng ta hãy cùng biến quyết tâm chính trị thành những kết quả cụ thể: mỗi con phố, làng quê, nhà máy, cánh đồng, bờ biển sẽ dần khoác lên mình diện mạo phồn vinh hơn, văn minh hơn. Có thể khẳng định, ngày mai đã bắt đầu từ hôm nay. Trang sử mới của đất nước đã mở, và mỗi chúng ta vinh dự được cầm bút cùng viết nên những dòng tươi sáng cho tương lai dân tộc.
Cả hệ thống chính trị đã nhìn về một hướng, chung một ý chí vươn tới mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Chúng ta tin tưởng rằng, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và khát vọng vươn lên mãnh liệt, Việt Nam nhất định sẽ “cất cánh” thành công. Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” chính là bệ phóng lịch sử đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của quản trị hiện đại, sáng tạo, gần dân, vì dân; kỷ nguyên mà mọi thành quả phát triển đều vì hạnh phúc và ấm no của nhân dân. Chúng ta – những người con đất Việt, hãy vững, đoàn kết, chung sức đồng lòng, cùng tiến bước trên hành trình dựng xây và phát triển đất nước, viết tiếp những kỳ tích mới cho Tổ quốc thân yêu trên hành trình hướng tới tương lai rực rỡ phía trước.