DCCI Summit 2025: Công nghệ xanh và AI định hình tương lai ngành dữ liệu, điện toán đám mây

Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2025 đặt trọng tâm vào 'công nghệ xanh' như một yếu tố then chốt định hình tương lai bền vững cho ngành hạ tầng số. DCCI Summit 2025 được Viettel IDC phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội, thu hút hơn 2.000 chuyên gia và đại diện doanh nghiệp hàng đầu.

Ông Lê Bá Tân - CEO Viettel IDC phát biểu tại Hội nghị DCCI Summit 2025

Ông Lê Bá Tân - CEO Viettel IDC phát biểu tại Hội nghị DCCI Summit 2025

DCCI Summit 2025 với chủ đề "Green Tech, Green Future - Công nghệ xanh cho tương lai bền vững" quy tụ hơn 2.000 khách mời là đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng hơn 20 chuyên gia đầu ngành đến từ những hãng công nghệ lớn trên thế giới như Google, Alibaba, Cisco, Sangfor, AIREV, Intel, AMD, Arista, Commvault, Crayon/Broadcom...

Trong bối cảnh công nghệ xanh không chỉ còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố then chốt định hình tương lai của ngành Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây, DCCI Summit 2025 tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các sáng kiến đổi mới quy mô lớn. Mục tiêu trọng tâm của sự kiện năm nay là đưa công nghệ xanh trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong kỷ nguyên số.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Bá Tân - CEO Viettel IDC nhấn mạnh, sự thâm nhập sâu rộng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống hiện nay, một quá trình có thể diễn ra âm thầm nhưng mang tính cách mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của AI kéo theo nhu cầu tính toán tài nguyên tăng trưởng đột biến.

Dẫn chứng từ thực tế đầu tư hạ tầng của bốn "ông lớn" dịch vụ đám mây Hoa Kỳ (Meta, Google, Microsoft, Amazon), ông Tân chỉ ra rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng mức đầu tư vào quý III/2024 đã vượt qua hai lĩnh vực truyền thống vốn chiếm ưu thế là viễn thông và dầu khí. Con số này là minh chứng rõ ràng cho thấy AI đang tạo ra sự thay đổi toàn diện trong chiến lược hoạt động và danh mục đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Gã khổng lồ công nghệ NVIDIA vừa đưa ra dự báo về những bước tiến vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), sau làn sóng Generative AI hiện tại, thế giới sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của Agentic AI và Physical AI. Hai "làn sóng chiến lược" này được NVIDIA nhận định sẽ thống trị giai đoạn 2025-2030, thu hút sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, các quốc gia tiên tiến và định hướng cho các chiến lược AI quốc gia.

Báo cáo mới nhất từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của AI. Theo UNCTAD, tổng doanh thu toàn cầu từ các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến AI dự kiến sẽ tăng gấp hơn 25 lần trong vòng một thập kỷ (2023-2033), trong khi tổng doanh thu toàn cầu nói chung ước tính tăng hơn 6 lần. Điều này cho thấy AI đang trở thành một nhân tố đột phá, có khả năng thay đổi căn bản mọi khía cạnh của đời sống và hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, Generative AI được xem là "liều thuốc" vực dậy thị trường điện toán đám mây. Sau giai đoạn tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hậu đại dịch Covid-19, thị trường điện toán đám mây ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua vào năm 2023 (18,6%). Tuy nhiên, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của Generative AI trong năm 2023 đã tạo ra động lực mới, kỳ vọng đưa thị trường này trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định trước đó.

Sự bùng nổ của AI đã và đang đặt ra thách thức rất lớn về mật độ công suất trên rack tăng chóng mặt, điều này buộc các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng chuyển đổi chiến lược đầu tư và xây dựng các trung tâm dữ liệu công suất cao, đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.

Nhưng AI cũng chính là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng về dung lượng của Trung tâm dữ liệu. Theo dự báo của McKinsey, khoảng 70% hoạt động của trung tâm dữ liệu sẽ dành cho các ứng dụng AI tiên tiến vào năm 2030, bao gồm các ứng dụng trực tiếp và gián tiếp từ AI.

Thị trường Trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ đạt khoảng 345 tỷ USD trong năm 2025, và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tại Việt Nam dự báo quy mô thị trường trung tâm dữ liệu đến năm 2029 sẽ đạt hơn 1 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) 10,8%.

Sự tăng trưởng bùng nổ của ngành trung tâm dữ liệu đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính bền vững. Giữa xu hướng phát triển "xanh" mạnh mẽ, các nhà cung cấp không chỉ cần xác định đúng nhu cầu và loại hình dịch vụ để thiết kế trung tâm dữ liệu hiệu quả, mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa hiệu suất vận hành và tiết kiệm năng lượng.

Bài toán cấp thiết đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải mạnh dạn ứng dụng năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu giảm phát thải carbon. Về lâu dài, sự chuyển dịch này không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra giá trị cộng hưởng, kiến tạo một chuỗi phát triển bền vững cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp.

Hà Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dcci-summit-2025-cong-nghe-xanh-va-ai-dinh-hinh-tuong-lai-nganh-du-lieu-dien-toan-dam-may-163211.html