Vì sao cặp Apple - Intel từ bạn thành thù?

Những ai quan tâm Apple từ những năm 2000 đều không thể quên khoảnh khắc tập đoàn tuyên bố chuyển từ sử dụng chip Power PC sang chip Intel.

Tại một sự kiện đáng nhớ, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Apple Steve Jobs mời giám đốc điều hành Paul Otellini lên sân khấu. Hai ông nói rằng họ rất thích làm việc cùng nhau, đội ngũ kỹ sư lẫn công nghệ của hai công ty vô cùng tuyệt vời.

Vậy mà 15 năm sau, Intel thuê diễn viên Justin Long - người từng tham gia chiến dịch chê bai hệ điều hành Windows do Apple khởi xướng - để sản xuất hàng loạt đoạn phim nhắm vào “người bạn cũ”.

Quan hệ Apple - Intel trải qua nhiều thăng trầm - Ảnh: Apple Explained

Quan hệ Apple - Intel trải qua nhiều thăng trầm - Ảnh: Apple Explained

Quá khứ giữa hai ông lớn

Vào năm 1998 lúc vẫn còn dùng chip Power PC cho máy tính Mac, Apple thuyết phục người dùng rằng chip Intel yếu kém hơn. Họ từng tung quảng cáo chip Intel Pentium II được đặt trên một chú ốc sên di chuyển chậm chạp, sau đó chuyển sang cảnh máy tính Power Mac G3 vận hành với tốc độ ánh sáng.

Nhưng sau nhiều năm, Apple bắt đầu nhận ra chip Power PC cung cấp nhiều sức mạnh hơn chip Intel nhưng cũng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Mức tiêu thụ năng lượng lớn là vấn đề nhức nhối đối với pin máy tính xách tay. Vì vậy mà vào năm 2005, tức 7 năm sau khi tung ra quảng cáo “ốc sên”, Steve Jobs thông báo quyết định chuyển sang sử dụng chip Intel. Một trong những lý do chính mà ông đưa ra là hiệu suất trên mỗi watt điện. Giám đốc điều hành Apple tính toán chip Power PC đem lại hiệu suất 15 đơn vị/watt, còn chip Intel là 70 đơn vị/watt. Hiệu suất vượt trội này cho phép tập đoàn thiết kế nên máy tính nhỏ gọn hơn. “Ân oán” trước đó được hóa giải.

Tuy nhiên trong giới công nghệ thì chẳng có gì là bất biến cả. Trong thập niên qua, vấn đề liên quan đến chip Intel ngày càng nhiều. Để tạo ra sản phẩm tốt, Apple cần biết trước Intel dự định trang bị tính năng gì cho chip. Như vậy họ mới có thể phát triển một thiết bị đạt mục tiêu về thông báo hiệu suất lẫn tuổi thọ pin. Lúc đầu Intel cung cấp thông tin quan trọng này một cách đáng tin cậy giúp Apple trình làng hàng loạt sản phẩm gây tiếng vang như Macbook Air 2008 hay Macbook 2015.

Song tình hình xấu đi từ năm 2016 khi Intel thông báo tăng thời gian nâng cấp công nghệ từ 2 năm lên 3 năm, làm chậm sự phát triển về công nghệ của thiết bị dùng chip của hãng. Sản phẩm như Macbook Pro 16 inch hay Macbook Air dùng chip Intel mạnh nhất đều gặp vấn đề máy quá nóng ảnh hưởng hiệu suất, khiến quạt làm mát thường xuyên phát tiếng ồn và làm giảm tuổi thọ pin. Loạt vấn đề như vậy không hề xuất hiện trên iPhone, iPad hay Apple Watch do chúng sử dụng chip tự phát triển bởi Apple được thiết kế phù hợp với từng loạt sản phẩm. Intel từng cố gắng tạo ra giải pháp dùng được cho tất cả nhưng cuối cùng thất bại.

Apple tự phát triển chip

Năm 2020, giám đốc điều hành Apple Tim Cook ra mắt chip M1. Ông tuyên bố bộ xử lý mà tập đoàn tự phát triển đem lại hiệu suất trên mỗi watt điện cao nhất thế giới thời điểm đó, hơn “chip máy tính tiên tiến nhất” (không nêu rõ tên) gấp 4 lần.

Intel lập tức triển khai chiến dịch chống trả. Hãng phải tìm cách “hạ bệ” M1 để bảo vệ hoạt động kinh doanh. Hơn một nửa hoạt động kinh doanh của Intel dựa vào việc bán chip cho các đơn vị sản xuất máy tính. Viện dẫn vài chỉ số vốn chẳng phải tiêu chuẩn ngành, họ chỉ ra ở nhiều tác vụ như giải mã hay dựng phim chip Intel xử lý nhanh hơn, cung cấp độ phân giải màn hình tốt hơn, kéo dài thời lượng pin hơn. Ngoài ra hãng cũng không ngần ngại tung quảng cáo nhắm vào đối thủ.

Vậy là lần đầu tiên sau một chục năm, thế độc quyền chip của Intel bị đe dọa. Quan hệ Intel - Apple đang xấu đi trông thấy.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-cap-apple-intel-tu-ban-thanh-thu-231851.html