Để 205 HCV SEA Games thành 'vàng' Asiad và Olympic
Cơn bão vàng SEA Games 31 của thể thao Việt Nam cũng chính là nỗi trăn trở lớn của những nhà thực hiện chiến lược thể thao khi sắp tới phải bước ra 'sông' Asiad rồi 'biển' Olympic.
Thể thao Việt Nam (TTVN) từng có những tranh luận rất gắt gao từ những nhà định hướng và làm chiến lược đó là đầu tư dàn trải theo kiểu môn nào cũng chơi cũng hướng đến thành tích Đông Nam Á hay tập trung trọng điểm vào những môn “ăn vàng” ở Asiad (Đại hội thể thao châu Á), ở Olympic?
Nghịch lý thứ hạng ở Olympic và thứ hạng tại SEA Games
SEA Games 31 TTVN tạo nên một kỷ lục khó xô đổ là chủ nhà vượt mốc 200 HCV nhưng khi nghĩ đến Asiad sắp tới và xa hơn là Olympic thì những nhà làm thể thao không dám vui thêm, vui quá.
Có thể thấy rất rõ qua thành tích tại Olympic Tokyo diễn ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2021 tức trước SEA Games 31 chỉ 10 tháng. Khi ấy thành tích của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lần lượt là Philippines (hạng 49 thế giới), Indonesia (54), Thái Lan (59), Malaysia (85) còn đoàn TTVN thì không nằm trong nhóm không được xếp hạng vì không có huy chương nào.
Có thể trong đó vẫn có những tiếc nuối vì Hoàng Xuân Vinh không giữ được phong độ trong môn bắn súng hay Kim Tuyền sớm chạm trán với Panipak, võ sĩ taekwondo Thái Lan đoạt HCV thế giới… nhưng chính những nhà làm TTVN phải thừa nhận rằng các quốc gia Đông Nam Á có bảng vàng thành tích ở Olympic Tokyo là có đầu tư trọng điểm với những chế độ và cơ chế đặc biệt trong chiến dịch “săn vàng”.
Trao đổi với chúng tôi về ngôi đầu Đông Nam Á của TTVN với 205 HCV chính những nhà làm thể thao chia sẻ rằng về phương diện mặt bằng và dàn trải thì TTVN thành công lớn ở sân chơi trong khu vực Đông Nam Á nhưng với thành tích hiện tại thì cuộc cạnh tranh ở Asiad tức sân chơi châu Á, rất khó để “chạm vàng”, huống hồ là sân chơi Olympic.
Để vàng SEA Games thành vàng Asiad và Olympic
Vì sao với 205 HCV đứng đầu khu vực nhưng nhìn sang “sông lớn” Asiad chứ chưa nói đến “biển lớn” Olympic chúng ta lại thiếu tự tin như thế?
Theo thống kê của chúng tôi, số HCV thuộc các môn thi Olympic do các VĐV VN giành được tại SEA Games 31 chiếm khoảng 56%, tức 115 HCV. Trong đó bao gồm 22 HCV điền kinh, bơi lội (11), vật (17), bắn súng (7), boxing (3), rowing (8), canoeing (8), xe đạp (4), judo (9), đấu kiếm (5), bóng ném (2), bóng bàn (1), taekwondo (9), quần vợt (1), cử tạ (3), bóng đá (2), thể dục dụng cụ (4).
Số lượng lớn nhưng theo phân tích của chính những nhà thực hiện chiến lược TTVN thì thành tích của các VĐV VN còn khá xa so với Asiad và Olympic ngoại trừ thành tích của VĐV xuất sắc SEA Games 31 Nguyễn Huy Hoàng (5 HCV SEA Game 31).
Cũng chính những nhà thực hiện chiến lược cho TTVN cũng thừa nhận rằng tại SEA Games 31 này dù Singapore đoạt số lượng huy chương SEA Games ít (47 HCV so với 205 của VN) nhưng thành tích VĐV của họ ở Asiad và Olympic rất cao.
Ở đây cũng cần nhắc đến những nhân vật từng đoạt HCV Olympic Tokyo như võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) vẫn làm chủ hạng cân của mình. Và để “ăn vàng” taekwondo VN đã phải điều chỉnh hạng cân của Kim Tuyến (thua Panipak ở Olympic Tokyo) tránh hạng cân nhà vô địch Olympic. Hay HCV cử tạ Olympic Tokyo người Philippines Hidilyn Diaz vẫn độc diễn ở sàn đấu SEA Games 31 và hứa hẹn cuộc chơi cao hơn tại Asiad sắp tới lẫn Olympic Paris.
Đầu tư trọng điểm và đầu tư dàn trải
Nhắc đến sân chơi châu Á, có thể lấy Asiad 2018 tại Indonesia làm thước đo khi TTVN tự hào với Asiad thành công nhất trong lịch sử khi giành 5 HCV, trong đó đáng chú ý nhất là các HCV của Quách Thị Lan (400 m rào nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy ba bước nữ), rowing thuyền bốn nữ hạng nặng và 2 HCV môn pencak silat (môn thi do chủ nhà Indonesia yêu cầu đại hội tổ chức).
Tất nhiên trong thành công của TTVN tại sân chơi châu Á này cũng phải kể đến sự nổi trội của các quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á mà ngoài chủ nhà Indonesia (31 HCV, 24 HCB, 43 HCĐ) thì Thái Lan (11 HCV, 16 HCB, 46 HCĐ), Malaysia (7 HCV, 13 HCB, 16 HCĐ) xếp trên VN (5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ).
Những phân tích và so sánh trên để thấy một thực tế rằng TTVN đang chọn kiểu đầu tư dàn trải và “đánh mạnh” ở sân chơi Đông Nam Á. Điều mà trước đây những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Singapore đã thực hiện khá lâu nhưng sau này lại chọn hướng đi theo kiểu đầu tư trọng điểm và “đánh” vào thành tích cao ở châu Á và thế giới.
Có thể thấy rất rõ qua việc cô gái vàng của thể thao Philippines là Hidilyn Diaz tại những kỳ Asiad và Olympic chỉ đoạt HCB sau vđv cử tạ người Trung Quốc và nhà nước Philippines đã đầu tư mạnh cho cô gái này liên tục cải thiện thành tích trong suốt nhiều năm trời với cả việc chiêu mộ chính HLV hàng đầu người Trung Quốc Gao Kaiwen và đưa đi nước ngoài tập luyện trong giai đoạn Philippines “đóng cửa chống dịch” để rồi sau đó Hidilyn Diaz đoạt cả vàng Asiad lẫn Olympic Tokyo.
Hay như tay bơi Joseph Shooling người Singapore cũng được đầu tư sang Mỹ tập ở lò nổi tiếng nhất nước Mỹ và chỉ tập trung vào cự ly ruột để rồi đánh bại chính siêu kình ngư Mỹ Michael Phelps tại Olympic Rio. Hoàn toàn khác với “tiên cá” Ánh Viên cũng được sang Mỹ đào tạo và đoạt số HCV kỷ lục ở các kỳ SEA Games nhưng lại rất khó khăn khi bước ra sân chơi Olympic.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-205-hcv-sea-games-thanh-vang-asiad-va-olympic-post681546.html