Đề án 1956: Hiệu quả rõ nét sau 2 năm thực hiện

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2012, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).

Đây cũng là dịp nhìn lại các mô hình dạy nghề- đặc biệt là các mô hình điển hình tiên tiến toàn quốc, từ đó rút ra các bài học trong việc triển khai công tác này trong những năm tiếp theo.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các học viên tại Nghệ An về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình học nghề. - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các học viên tại Nghệ An về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình học nghề. - Ảnh: Chinhphu.vn

Sau 2 năm triển khai thực hiện, rõ rệt nhất là năm 2011, các mục tiêu và hiệu quả của Đề án 1956 đã bắt đầu được phác ra rõ nét. Trước đó, năm 2010, cả nước đã triển khai hoạt động điều tra nhu cầu học nghề của nông dân. Theo thống kê, hiện có khoảng 12-15% số lao động nông thôn có nhu cầu được đào tạo nghề với trên 600 nghề, trong đó nhóm nghề nông nghiệp chiếm trên 48%. Đây là tiền đề để các cơ sở dạy nghề xây dựng các chương trình và mở các khóa dạy nghề phù hợp trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Do đặc thù của lao động nông thôn là vừa học nghề, vừa giao lưu phát triển nghề nên các lớp học cũng được tổ chức đa dạng với sự tham gia của các viện nghiên cứu, các tổng công ty, các trường đại học, cao đẳng đến các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tới thời điểm này, một số mô hình điển hình tiên tiến đã được chỉ ra theo 4 nhóm: Nhóm lao động làm nông nghiệp (ở các vùng núi, vùng chuyên canh); nhóm lao động trong các làng nghề ở vùng đồng bằng; nhóm nông dân chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ (ở vùng núi và vùng đồng bằng, trung du); nhóm đánh bắt xa bờ ở các tỉnh duyên hải miền Trung (học sửa chữa máy tàu thủy; chế biến và bảo quản thủy sản...).

Trong số này, nhóm nghề đánh bắt xa bờ mới được triển khai nên chưa tổng kết mô hình. 3 nhóm còn lại đã bắt đầu xuất hiện các điển hình hết sức nổi bật. Chẳng hạn, với nhóm nghề chuyên canh (chủ yếu dạy các nghề nông nghiệp) thì các cơ quan kiểm định độc lập, các cơ quan giám sát đã chỉ ra 6 mô hình có hiệu quả lớn gồm:

1. Nghề trồng và sơ chế cây thuốc lá: Nghề này đã được triển khai dạy hơn 100 lớp học ở nhiều vùng nguyên liệu từ Bắc tới Nam, gắn với các vùng nông thôn nghèo. Mô hình này đã có những điều tra, so sánh kết quả trước và sau dạy nghề. Kiểm tra kiến thức đầu khóa học cho thấy, học viên trung bình khá chỉ đạt tỷ lệ từ 6,6 đến 10% và sau học nghề, có hơn 25% số học viên đạt điểm giỏi (điểm 9/10) và hơn 72% đạt điểm khá (từ 7 đến 8 điểm/10 điểm). Người dân được học trồng và sơ chế thuốc lá nhằm đạt được năng suất cao, sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả cao hơn các ruộng sản xuất đại trà. Tới thời điểm này, đã có 400.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định từ nghề này.

2. Nghề trồng và chế biến chè sạch (phối hợp với Tổng Công ty Chè)

3. Nghề trồng mía- đặc biệt thành công ở miền Tây Thanh Hóa. Công ty mía đường Lam Sơn đã mở những lớp dạy nghề, phổ biến kỹ thuật trồng mía bài bản cho bà con.

4. Nghề trồng và chăm sóc cây cao su: Các lớp dạy nghề được mở ở các vùng nguyên liệu của Tổng công ty Cao su gồm khu vực Tây Bắc, Tây Nam bộ, gắn với an ninh biên giới

5. Nghề trồng và chế biến sắn ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Bà con học nghề và phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở các vùng đất đồi.

6. Nghề trồng rau an toàn, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt): Các lớp dạy nghề đã góp phần phát triển các vùng rau sạch ở nhiều địa phương trong cả nước như Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình…

Đối với những nghề trồng cây chuyên canh, trong quá trình đào tạo, người học ngoài việc được dạy kỹ năng nghề còn được cung cấp các kiến thức về bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, các quy định quốc tế về An toàn vệ sinh thực phẩm, về an toàn sản xuất, về quy trình chuẩn… Ngoài ra, các mô hình này đã và đang thực hiện ở nhiều xã xây dựng nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg (ngày 4/6/2010) của Thủ tướng Chính phủ. Việc dạy nghề thành công sẽ tác động tới 4/19 tiêu chí gồm: thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra tài liệu học nghề tại một lớp học ở Nghệ An. - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra tài liệu học nghề tại một lớp học ở Nghệ An. - Ảnh: Chinhphu.vn

Với nhóm nghề truyền thống, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xác định các nghề thủ công mỹ nghệ cần được quan tâm đưa vào chương trình dạy nghề, đó là các nghề: chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm; làm đồ đồng; nghề mây tre đan; nghề thêu ren; nghề dệt (lụa, thổ cẩm)… Đó là những nghề truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển. Với các nghề này, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người học nghề và trả lương trong quá trình học tập ở các lớp do doanh nghiệp tổ chức đào tạo. Điển hình như dạy nghề ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) và nghề thêu ở Thường Tín (Hà Nội)…. Các nghệ nhân đã mở lớp không chỉ ở làng nghề mà còn cho các vùng có mong muốn mở làng nghề mới như dạy nghề đúc đồng cho lao động ở Nam Định, Đồng Nai; dạy nghề thêu cho lao động ở Ba Vì, hình thành các làng nghề, khu vực gia công nghề mới. Thực tế cho thấy, nếu phát triển mô hình một cách bài bản thì sẽ có sự nhân rộng, và mục tiêu đào tạo sẽ đạt được.

Trong các làng nghề, các doanh nghiệp làng nghề, hiệp hội nghề nghiệp chủ động chủ trì tổ chức những lớp dạy nghề ngay tại mỗi làng nghề: học viên là lao động trong làng hoặc làng bên (đi lại thuận tiện), thày dạy là những nghệ nhân, thợ giỏi trong từng ngành nghề, có giao lưu với các làng nghề cùng nhóm ngành trong cả nước nên tạo được sự đa dạng khi phát triển nghề. Hiện một số làng nghề đã xây dựng được giáo trình nghề sơ cấp, trung cấp, được thẩm định bởi cơ quan chức năng. Cách học cũng rất thiết thực: không phải là "truyền khẩu", dạy miệng, dạy chay như trước đây, mà nay cũng đã có giáo trình bài bản, lại có thêm những công cụ hiện đại (như băng, đĩa hình … ) trợ giúp cho việc học tập, truyền nghề.

Lần đầu tiên, Đề án 1956 cũng đưa ra những mục tiêu định lượng về số lao động được đào tạo nghề và hiệu quả của các lớp học. Về số lao động thì theo Đề án, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo nghề cho 5.200.000 lao động nông thôn, trong đó khoảng 4.700.000 lao động nông thôn được học nghề (1.600.000 người học nghề nông nghiệp; 3.100.000 người học nghề phi nông nghiệp). Có khoảng 120.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế được học nghề theo đơn đặt hàng. Về hiệu quả, Đề án cũng đặt ra mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%.

Riêng năm 2011, mục tiêu đặt ra là đào tạo 500.000 lao động nông thôn, với các mô hình thực hiện theo hướng gắn với doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương (quy hoạch cây chủ lực, phát triển vùng cây nguyên liệu, định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động…). Tỷ lệ lao động có việc làm và tự tạo được việc làm sau đào tạo đạt khoảng 70%, góp phần hình thành các vùng nghề, vùng cây nguyên liệu phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô.

Sau khi thực hiện các mô hình thí điểm, hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được đẩy mạnh. Từ tháng 8 tới tháng 12/-2011, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 đã thực hiện nhiều cuộc giám sát công tác dạy nghề ở các tỉnh. Mới đây nhất là đợt giám sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện ở Lào Cai, Yên Bái. Qua đợt giám sát cho thấy, một số lớp sau khi học nghề, người lao động có khả năng tự tìm việc làm hoặc tạo việc làm tại địa phương chiếm tỷ lệ cao, từ đó sẽ có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Trong đó nổi bật là mô hình trồng chuối mô ở xã Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai), nông dân sau khi học nghề đã trở thành những công nhân trồng chuối, làm chủ được những kỹ thuật trồng chuối hiện đại, cho ra sản phẩm đẹp, được doanh nghiệp đặt hàng thu mua ngay tại vườn phục vụ xuất khẩu. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú từ nghề này.

Tuy nhiên, Đề án 1956 có độ “phủ” rất rộng, các bước thực hiện mới vừa qua giai đoạn thí điểm nên còn nhiều “chuệch choạc”. Thực tế cho thấy, nếu địa phương quan tâm, quán triệt đúng tinh thần Đề án thì hoạt động dạy nghề đúng hướng và ngược lại. Ý thức được điều này, trong năm 2011, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 đã quán triệt việc thực hiện “4 có” và “4 biết”. Đây là những hoạt động hết sức cần thiết ở mỗi địa phương để đảm bảo kết quả cuối cùng là ít nhất 70% có việc làm sau học nghề. “ 4 có” là các địa phương phải có ban chỉ đạo cấp huyện, xã với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. “4 biết” là biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.

 Một buổi giao ban của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 tại Hà Nội. - Ảnh: Chinhphu.vn

Một buổi giao ban của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 tại Hà Nội. - Ảnh: Chinhphu.vn

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương, địa phương nào thực hiện đủ “4 có”- “4 biết” thì hầu hết lao động sau học nghề có việc làm, vì đáp ứng đúng nhu cầu của lao động và nhu cầu nhân lực địa phương. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa nắm được tinh thần này, làm không đúng và không trúng. Việc xác định nhu cầu học nghề của lao động cũng phải cân nhắc trên cơ sở thực tế địa phương. Chẳng hạn, điều tra nhu cầu của một xã ở Cao Bằng thì có tới hơn 80 nông dân muốn học nghề sửa chữa xe máy với mong muốn: “sửa chữa cho xe máy của nhà”. Nếu chỉ căn cứ vào đó để mở lớp thì chưa đủ, và cũng không đúng tinh thần đề án 1956. UBND xã phải xác định, nhu cầu về dịch vụ sửa xe máy cho người dân trong vùng, cần bao nhiêu thợ sửa, bao nhiêu người có khả năng mua thiết bị, mở cơ sở sửa chữa và làm nghề một cách chính thức. Sau khi trả lời được các câu hỏi đó mới quyết định có nên mở lớp hay không, hay ưu tiên cho nghề khác đang cần kíp hơn…

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án 1956 cũng đã có một số bất cập trong thực hiện. Từ đề xuất tổng hợp, kiến nghị của các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị sửa đổi một số nội dung, sửa đổi trong Quyết định 1956/QĐ-TTg gồm: Cần làm rõ cơ cấu vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; làm rõ chính sách tài chính khi sử dụng thẻ học nghề. Một số tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án cũng được chỉ ra là bộ máy chính quyền tại một số địa phương do chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ nên chưa nắm được tinh thần của Đề án, vì vậy việc chỉ đạo chưa rõ, chưa sát. Một vấn đề nữa là nông dân khó tiếp cận vốn vay sau học nghề. Dù trong Đề án 1956 đã nhấn mạnh hỗ trợ 100% lãi suất vay cho lao động tổ chức làm nghề sau khi học nhưng ở một số địa phương nông dân không tiếp cận được nguồn vốn nên sau khi học nghề không phát huy được hiệu quả.

Một đề nghị nữa là điều chỉnh chính sách đối với người học, người dạy và đối với cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn do biến động giá cả từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, về đề nghị này của các địa phương, Ban chỉ đạo Trung ương cũng nhấn mạnh, mọi kinh phí theo Đề án 1956 là kinh phí “hỗ trợ” để giúp lao động nông thôn tiếp cận với các cơ hội học nghề chứ không phải miễn phí hoàn toàn. Và như vậy, với các nghề cần đầu tư nhiều hơn để học, như nghề hàn, tiện, nấu ăn, lái xe…, các địa phương có thể huy động hỗ trợ khác từ nhiều nguồn, hoặc từ chính bản thân lao động nếu bà con thực sự thấy cần thiết.

Qua 2 năm triển khai, trên cơ sở các mô hình thí điểm đã thực hiện, các địa phương cần chú ý các bài học sau:

- Xác định đúng nhu cầu học nghề của người dân, gắn với khả năng tạo việc làm (tại chỗ, dịch chuyển lao động và xuất khẩu lao động) ở các địa phương. Vì vậy, kế hoạch dạy nghề dứt khoát phải bám chặt vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trên địa bàn.

- Tạo điều kiện về vốn để người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, gây dựng cơ sở làm nghề.

- Việc giảng dạy phải đặt chất lượng lên đầu. Muốn đạt được điều đó, cơ sở dạy nghề phải đầu tư, hoàn thiện từ khâu thiết bị, giáo viên, giáo trình và thực hành giảng dạy.

- Phát triển hệ thống dạy nghề đủ mạnh, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở các cấp để đảm bảo có đủ năng lực và điều kiện để triển khai các hoạt động của đề án.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đề án 1956 được thực hiện dài hơi, mục tiêu rất rõ ràng. Tuy nhiên, trình độ và nhận thức của 12 triệu nông dân không phải nơi nào cũng như nhau; UBND các địa phương cũng vậy. Vì thế, ban chỉ đạo và lực lượng tuyên truyền viên các cấp phải vào cuộc tuyên truyền cho dân hiểu về chính sách.

- Khẳng định hiệu quả các mô hình thí điểm và tiếp tục mở rộng để chuẩn bị cho những năm tiếp theo. Với những mô hình không hiệu quả thì dừng thực hiện, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của Chính phủ và địa phương.

- Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề ở tất cả các cấp theo 9 đầu mục công việc khi triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg, trong đó có hoạt động thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

Đề án 1956 ra đời với quan điểm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Từ Lương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/de-an-1956-hieu-qua-ro-net-sau-2-nam-thuc-hien/20121/106258.vgp