Gấp rút hoàn thiện hành chính công số

Người dân cần một hệ thống hành chính công số không chỉ toàn diện, có đầy đủ các lĩnh vực, mà còn phải luôn duy trì được chất lượng cao, gồm cả các ứng dụng lẫn quy trình thao tác, xử lý.

Cùng với 62 tỉnh, thành khác trên cả nước, TP HCM với đặc thù và lợi thế của mình đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.

Vào đầu năm 2024, UBND TP HCM đã điều động một phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM về làm Giám đốc Trung tâm CĐS TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói rằng Trung tâm CĐS hướng tới mục tiêu vận hành thành phố thông minh, góp phần vào quá trình CĐS các hoạt động hành chính, kinh tế, hướng đến việc tạo dựng xã hội số.

Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số - Sự hài lòng của người dân" do HĐND TP HCM tổ chức vừa diễn ra, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết đến năm 2030, TP HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Hiện TP HCM đã tạo lập nền tảng gồm hạ tầng và dữ liệu. Cổng dữ liệu đã cung cấp các dịch vụ khai thác dữ liệu phục vụ các cơ quan nhà nước; chia sẻ dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại hộ tịch…

Người dân cần một hệ thống hành chính công số (HCCS) không chỉ toàn diện, có đầy đủ các lĩnh vực, mà còn phải luôn duy trì được chất lượng cao, gồm cả các ứng dụng lẫn quy trình thao tác, xử lý. Thực tế, việc thực hiện dịch vụ HCCS còn chưa đồng đều ở cấp cơ sở. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường cơ sở hạ tầng - thiết bị, đường truyền, cơ sở dữ liệu thì phải tập trung tập huấn nâng cao kỹ năng số cho công chức, đặc biệt những người trực tiếp làm việc với người dân. HCCS bao gồm cả hai môi trường: online và tại cơ quan. Online phải bảo đảm trực quan, dễ thao tác, thông suốt, liền mạch tạo thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận. Tại các cơ quan hành chính, cán bộ tiếp dân phải thao tác thành thạo trên thiết bị, giải quyết nhanh gọn vụ việc cho người dân.

Năm 2024 là năm có nhiều đột phá trong công cuộc CĐS tại TP HCM, cụ thể là về dịch vụ HCCS. Đa số người dân đã được định danh điện tử, cấp chữ ký số, quy trình xác thực sinh trắc học cũng bắt đầu được phổ cập… là nền tảng để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính công thông suốt và sâu rộng hơn.

Hoài Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gap-rut-hoan-thien-hanh-chinh-cong-so-196240716200346891.htm