Đề án 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Điện Biên
70 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, mảnh đất Điện Biên hôm nay đã thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang hiện đại. Đặc biệt hơn, với xuất hiện của 5.000 ngôi nhà kiên cố được xây dựng từ tình đoàn kết, sẻ chia đã góp phần khoác lên bản làng Điện Biên diện mạo mới.
Từ một Đề án có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên xây dựng Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên (Đề án 09). Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc”, nhằm huy động nguồn lực xây dựng trên 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo các tỉnh Tây Bắc, trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm mới 5.000 căn nhà cho người nghèo.
Khánh thành và trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo theo Đề án 09 tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: An Luých
Đề án kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức; chiến sĩ các lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể; các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, đền ơn đáp nghĩa, cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ, góp công, góp của để MTTQ Việt Nam thực hiện thành công chương trình. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ trong công tác chăm lo cho người nghèo tỉnh Điện Biên mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân quan tâm chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Đề án, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn nhà với tổng kinh phí vận động hỗ trợ dự kiến khoảng 350 - 400 tỷ đồng. Ngoài mức hỗ trợ như trên, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn cùng tham gia vận động, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công… để nâng cao giá trị công trình nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình.
Với sự quyết tâm trong chỉ đạo triển khai, cùng với sự quan tâm ủng hộ đặc biệt của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp và ủng hộ của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, Đề án đã đạt được mục tiêu đề ra. Sau 9 tháng triển khai và tổ chức thực hiện, đến ngày 24/1/2024, 5.000 căn nhà tại Điện Biên đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Trong đó, 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên. Tổng kinh phí thực hiện làm nhà 489,4 tỷ đồng (tương đương trên 97 triệu đồng/căn; tối thiểu từ 70 triệu đồng/căn trở lên).
Đồng chí Lò Văn Mừng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất hợp lòng dân, nên đã huy động được nguồn lực rất lớn, chỉ trong chưa đầy 9 tháng đã hoàn thành được mục tiêu. Qua đó, đã giúp 5.000 hộ nghèo, cận nghèo ổn định được cuộc sống, giúp tỉnh Điện Biên hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát, không an toàn trong năm 2024.
Những ngôi nhà xây lên từ sự đoàn kết, đồng lòng
Trong số 5.000 hộ nghèo của tỉnh Điện Biên được hỗ trợ nhà đại đoàn kết, có 99,1% là hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có 477 hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà. Để có được niềm vui an cư, lạc nghiệp cho nhiều gia đình nghèo là hành trình dài đoàn kết đồng lòng của chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Cả tỉnh Điện Biên đồng loạt khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết với sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được chú trọng với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa bàn. Việc rà soát, thẩm định các hộ đủ điều kiện hỗ trợ bảo đảm đúng quy định và đối tượng. Quá trình làm nhà, các hộ gia đình thực hiện theo đúng nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình chủ động làm nhà”. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, đến nay không có trường hợp đơn thư khiếu nại của người dân; đặc biệt, sau khi được hỗ trợ làm nhà, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Lò Văn Lan, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông trước ngôi nhà Đại Đoàn kết vừa được hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Hồng Phượng
Ban Chỉ đạo một số địa phương vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình làm nhà. Trong thời điểm chưa có đủ kinh phí làm nhà, Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đồng chí lãnh đạo thôn, bản liên hệ với các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình ứng vật liệu làm nhà. Các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang huy động đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia giúp các hộ gia đình tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu làm nhà, dựng nhà mới với trên 115.000 ngày công lao động. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, huy động, bố trí nguồn lực giúp các hộ gia đình làm nhà.
Là một trong những huyện hoàn thành tiến độ trước kế hoạch của tỉnh, với 574 căn nhà Đại đoàn kết, đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Đề án 09 có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ xã đến bản, tổ dân phố trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả của việc hỗ trợ. Huyện Điện Biên Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp ngày công, nhân lực, vay thêm nguồn kinh phí với quyết tâm mỗi ngôi nhà hoàn thành có diện tích từ 40m2 trở lên và giá trị từ 70 triệu đồng trở lên. Đến nay, 100% số lượng căn nhà hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu đề ra, đa số các ngôi nhà hoàn thành có giá trị trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết, trong quá trình triển khai, huyện đã có những giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ ngày công, cùng với các nguồn lực khác để triển khai xây dựng làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chất lượng, tiến độ đối với những hộ gia đình người già neo đơn, bà mẹ đơn thân, đồng thời linh hoạt về mẫu nhà, loại nhà ở cũng như cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn làm trung gian đứng ra bảo lãnh, tín chấp đối với các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng để cho các hộ nghèo vay nguyên vật liệu làm nhà đảm bảo đảm đúng tiến độ. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, các ngôi nhà đã hoàn thành đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu 3 cứng.
Thắp lên niềm tin, hy vọng về một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc
Hành trình hoàn thành Đề án hỗ trợ làm 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hành trình này đã hiện thực hóa ước mơ cho các hộ nghèo có được những ngôi nhà vững chắc để an cư, lạc nghiệp.
Là gia đình được đón nhận niềm vui, niềm vinh dự trong những tháng ngày có ý nghĩa lịch sử này, anh Lò Văn Lan, dân tộc Lào, ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông chia sẻ, nhiều năm nay gia đình anh sinh sống trong căn nhà đã xuống cấp, việc dựng một ngôi nhà mới với gia đình anh là điều chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhận căn nhà mới kiên cố, cả nhà anh vui không kể xiết. Anh Lan xúc động cho biết: “Gia đình tôi rất biết ơn Nhà nước, chính quyền tỉnh Điện Biên và bà con. Có nơi ở ổn định, tôi cũng yên tâm lao động sản xuất, cố gắng làm ăn để thoát nghèo”.
Anh Lò Văn Phàn (trái) chia sẻ niềm vui trong căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa. Ảnh: Hồng Phượng
Cùng ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, gia đình anh Lò Văn Phàn rất vui mừng khi được dọn vào ngôi nhà mới. Ngồi trong căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa, anh Phàn không giấu được niềm vui bởi không còn phải lo lắng khi thời tiết mưa gió. “Thật sự tôi rất mừng, niềm mơ ước suốt nhiều năm qua đã thành hiện thực”, anh Phàn bày tỏ.
Trực tiếp đến thăm các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, mới có thể thấy hết được niềm vui của bà con, thấy được ý nghĩa to lớn của Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên.
Chị Cà Thị Dung, bản Ta, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo sinh năm 1996, là lao động tự do, thu nhập không ổn định, chồng mất sớm do tai nạn năm 2017 để lại 2 mẹ con, con chị đang học lớp 5, bị bệnh động kinh. Từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình vay thêm từ ngân hàng chính sách 40 triệu đồng để làm nhà. Với sự cố gắng, nỗ lực của gia đình, dân bản hỗ trợ xây dựng và ngày công lao động, gia đình chị đã có ngôi nhà cấp 4 kiên cố hơn 60m2.
"Trước khó khăn lắm, công việc không ổn định, nhà thì dột nát, giờ thì Nhà nước hỗ trợ mình có ngôi nhà mới rất mừng. Giờ mình có thể yên tâm làm việc ổn định cuộc sống của 2 mẹ con!”- Chị Cà Thị Dung rưng rưng chia sẻ.
Niềm vui của gia đình chị Dung, anh Long, anh Phàn chính là sự khẳng định một chương trình ý nghĩa, thiết thực; đã huy động sự chung sức, đồng lòng của toàn dân trong hỗ trợ hộ nghèo có chỗ an cư, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã nhân lên ngọn lửa, niềm tin của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống lịch sử oanh liệt, hào hùng.