Đề án chuyển đổi số góp phần xây dựng Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn

Chiều 25/3, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025-2030. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có các đồng chí là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các Bộ ngành hữu quan.

Đánh giá về hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025-2030, Ủy viên là ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với sự cần thiết xây dựng Đề án vì các lý do được nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội (VPQH) như: hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đã xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến hệ thống CNTT còn thiếu đồng bộ, chưa khai thác hiệu quả hạ tầng điện toán đám mây; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường chuyển đổi số, nhanh chóng áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm sự tương thích với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực chung về CNTT và chuyển đổi số của quốc gia; đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quốc hội số.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao công tác chuẩn bị Đề án có bố cục rõ ràng, logic; cơ sở pháp lý và chính trị đầy đủ. Đề án dẫn chiếu đầy đủ các nghị quyết, luật, chiến lược liên quan trong đó có đề cập đến Nghị quyết 57-NQ/TW làm kim chỉ nam cho chuyển đổi số của Quốc hội. Đề án đã đánh giá tương đối toàn diện về hạ tầng công nghệ, nhân lực, an toàn thông tin, dữ liệu số và ứng dụng CNTT trong hoạt động Quốc hội.

Đối với kiến trúc Quốc hội số, Đề án đưa ra cấu trúc chi tiết về kiến trúc dữ liệu, ứng dụng, bảo mật, có tham khảo các mô hình quốc tế; xác định rõ nhiệm vụ và lộ trình thực hiện: Đề án đề xuất lộ trình chuyển đổi số với các giai đoạn cụ thể đến năm 2030.

Tuy nhiên, Đề án còn thiếu các chỉ số đánh giá (KPIs) rõ ràng. Đề án nên đưa ra các chỉ số định lượng để đánh giá hiệu quả chuyển đổi số như: Tỷ lệ số hóa tài liệu Quốc hội (%); Mức độ tham gia của cử tri trên các nền tảng số của Quốc hội; Tỷ lệ văn bản được xử lý qua hệ thống điện tử thay vì giấy tờ. Đề án đề cập đến AI nhưng chưa có kế hoạch chi tiết về ứng dụng AI trong phân tích chính sách, giám sát nghị trường, hỗ trợ đại biểu tra cứu tài liệu.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên là ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải cũng cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng chiến lược sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ công tác lập pháp và giám sát; làm rõ vai trò cụ thể của các bên liên quan như Hội đồng dân tộc, các Ủy ban. Đề án mới nêu trách nhiệm chung chung của VPQH, các Ủy ban, Ban Chỉ đạo, nhưng chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị trong thực hiện chuyển đổi số; chỉ rõ cơ chế thử nghiệm chính sách (được nêu tại Nghị quyết 1343) và nhấn mạnh cơ chế thí điểm công nghệ mới (AI, Blockchain, điện toán đám mây) trong hoạt động nghị trường trước khi triển khai rộng rãi; cần tập trung vào AI, dữ liệu lớn, hạ tầng số để xây dựng Quốc hội số thông minh; bổ sung cơ chế thử nghiệm chính sách để triển khai công nghệ linh hoạt; xây dựng các chỉ số đánh giá cụ thể để giám sát tiến độ chuyển đổi số; đảm bảo an toàn thông tin nghị trường, bảo vệ dữ liệu Quốc hội. Cần có trọng tâm, định lượng được kết quả và đảm bảo khả thi trong thực hiện.

Về nhận xét, đánh giá về thực trạng ứng dụng CNTT tại VPQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chỉ số cụ thể, ví dụ như dữ liệu về mức độ số hóa hồ sơ, tỷ lệ văn bản xử lý qua hệ thống điện tử.

Về xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị cũng như công tác phối hợp triển khai, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, báo cáo và xử lý các vấn đề phát sinh.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng

Về hạ tầng số, dù Đề án có đề cập đến việc nâng cấp hạ tầng nhưng chưa nêu rõ kế hoạch cụ thể và các giai đoạn triển khai vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung lộ trình, điều kiện thực hiện.

Về phần bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, mới đề cập đến nguyên tắc chung mà chưa có biện pháp cụ thể, do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung các biện pháp cụ thể như áp dụng chuẩn bảo mật ISO/IEC 27001, xây dựng trung tâm SOC (Security Operation Center) giám sát 24/7, phương án xử lý sự cố an ninh mạng. Đề nghị xem xét, bổ sung trong Đề án vai trò của các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND:.

Về tổng mức dự toán, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát trong bối cảnh một số cơ quan của Quốc hội đã được sáp nhập; dự kiến kế hoạch sáp nhập một số tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị khẩn trương rà soát lại các quy định về quản lý, phân quyền và liên thông dữ liệu khi triển khai làm việc trên môi trường điện tử. Việc chưa kịp thời sửa đổi các quy định quản lý dữ liệu đồng bộ với những thay đổi về kỹ thuật, công nghệ thông tin làm cho việc truy cập liên thông dữ liệu, chia sẻ thông tin giữa người sử dụng bị ảnh hưởng; việc phân quyền truy cập dữ liệu không hợp lý làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận, truy cập, xử lý thông tin làm việc trên môi trường điện tử của Đại biểu Quốc hội chuyên trách và cán bộ, công chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, đa số các đại biểu thống nhất với việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025-2030. Những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu đều rất thiết thực, xác đáng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Quốc hội ngày càng nhanh chóng và hiệu quả hơn; đồng thời sẽ được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại

Ông Nguyễn Công Thành – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ

Ông Nguyễn Công Thành – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ

Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận phiên họp.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93205