Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo: Cần có sự đánh giá cụ thể yếu tố về vùng, miền

Các chính sách được Chính phủ trình tại kỳ họp này sẽ góp phần đảm bảo an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo tất cả các vùng miền trong cả nước được tiếp cận với giáo dục mầm non.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tham gia đóng góp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tham gia đóng góp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi

Tham gia đóng đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết này, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ, với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi cả nước.

Các chính sách được Chính phủ trình tại kỳ họp này sẽ góp phần đảm bảo an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo tất cả các vùng miền trong cả nước được tiếp cận với giáo dục mầm non, tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên mần non. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các khu công nghiệp.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục, nhất là tại khu vực khu công nghiệp; kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ giáo dục mần non, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cho rằng chính sách này thể hiện tính ưu việt của chế độ và chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo công bằng, tiếp cận trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn với quy định cứng độ tuổi trẻ em từ 3 tuổi trở lên phải vào các cơ sở giáo dục mầm non, vì hiện nay có rất nhiều gia đình có điều kiện muốn trông nom trẻ tại nhà.

Và để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu nguồn lực để có cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chính sách trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đại biểu Lê Thị Song An nêu thực trạng hiện hệ thống giáo dục mầm non trên cả nước có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng - miền, giữa các địa phương, cụ thể: Tại các vùng thuận lợi, khu vực thành thị, khu, cụm công nghiệp thì số trẻ ra lớp quá đông gây quá tải, hệ thống trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi đó tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn thì số trẻ ra lớp ít dẫn đến quy mô trường nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả, có trường, có lớp nhưng không có trẻ em đến học gây ra sự lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tại phiên họp Quốc hội sáng 22/5

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tại phiên họp Quốc hội sáng 22/5

Từ đó, đại biểu cho rằng, việc thực hiện Đề án này phải tính đến yếu tố vùng, miền cụ thể, nhất là các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hay các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp và các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,… để có sự đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giám viên cho phù hợp, phát huy hiệu quả các chính sách đã ban hành. Đại biểu cũng đề nghị thực hiện thí điểm tại một số địa phương, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả mang lại, làm cơ sở triển khai trên phạm vi cả nước.

Với mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030, Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực để đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non chất lượng, chuẩn bị tốt cho trẻ về mọi mặt trước khi vào lớp 1, góp phần thực hiện quyền trẻ em.

Nghị quyết áp dụng đối với người học là trẻ em từ 3 đến 5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc phổ cập được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định. Huy động nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thực hiện, bao gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu. Bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định. Bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Bổ sung, sửa đổi chính sách đối với trẻ em, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non.

Chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và các chính sách phát triển giáo dục mầm non phù hợp quy định của pháp luật.

Kinh phí dự kiến bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết bao gồm: Nguồn lực Chính phủ bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non (3 - 5 tuổi); ngân sách nhà nước bổ sung ngoài 20% tổng chi giáo dục (theo Luật Giáo dục); các nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-an-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-em-mau-giao-can-co-su-danh-gia-cu-the-yeu-to-ve-vung-mien-a195769.html