Đề án Tổ Dân vận cộng đồng và những bước đột phá trong công tác dân vận tại tỉnh Bắc Giang

Ngày 31.1.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kết luận số 214-KL/TU về Đề án thành lập và hoạt động của Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Công chức "4 xin, 4 luôn, 5 không" và mô hình sáng tạo "Ngày thứ 6 nhanh" tại Bắc Giang

Tỉnh đầu tiên thực hiện mô hình Tổ dân vận ở thôn, bản, tổ dân phố

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Thôn, tổ dân phố là nơi hằng ngày diễn ra mọi hoạt động của cộng đồng dân cư, là nơi trực tiếp tập hợp, vận động quần chúng Nhân dân, thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Là nơi dễ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân. Chính vì vậy công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố có vai trò, vị trí rất quan trọng.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức tổng kết mô hình thí điểm Tổ dân vận cộng đồng tại huyện Yên thế

Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức tổng kết mô hình thí điểm Tổ dân vận cộng đồng tại huyện Yên thế

Trong những năm qua, công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Hướng dẫn số 19-HD/BDV ngày 27.6.2005 về nội dung hoạt động công tác dân vận ở thôn, bản, cụm dân cư và là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình Tổ dân vận ở thôn, bản, tổ dân phố.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 2.128 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố, với 18.186 thành viên. Thông qua hoạt động của Tổ dân vận đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương nhất là vận động Nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằngxây dựng các dự án, công trình; tham gia phòng, chống dịch Covid-19; giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở thôn, tổ dân phố.

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo, đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân báo cáo cấp ủy, chính quyền và đề xuất giải pháp, trực tiếp vận động, hòa giải, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết.

Tổ dân vận là nòng cốt trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố nói chung và hoạt động của Tổ dân vận còn những khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới như công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Công tác nắm và phản ánh tình hình, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những mâu thuẫn từ cơ sở có việc chưa kịp thời. Việc phối hợp tổ chức để Nhân dân tham gia giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở chưa thường xuyên.

Việc phát huy vai trò chủ thể, nòng cốt của người dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương có việc còn hạn chế. Hoạt động của Tổ dân vận còn mang tính hành chính, chưa rõ nét, còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động. Tổ dân vận được giao nhiều việc, khó thực hiện, nhiều nhiệm vụ còn trùng chéo với các tổ chức tự quản ở cộng đồng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tổ dân vận còn hạn chế.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội thảo về thành lập và hoạt động của Tổ dân vận cộng đồng

Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội thảo về thành lập và hoạt động của Tổ dân vận cộng đồng

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền nhất là cấp cơ sở về vai trò, vị trí công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố chưa đầy đủ nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Cơ cấu thành viên của Tổ dân vận ở thôn, bản, tổ dân phố chủ yếu là ban chi ủy, ban quản lý thôn, trưởng các chi đoàn, chi hội và thường xuyên thay đổi nên chưa phát huy vai trò của người dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Tổ dân vận theo Hướng dẫn số 19-HD/BDV ngày 27/6/2005 của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang có nội dung còn chung chung, khó thực hiện và chưa đáp ứng yêu cầu.

Đột phá trong Đề án thành lập và hoạt động Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Kế thừa kết quả hoạt động của Tổ dân vận trước đây và hiệu quả của mô hình Tổ Covid cộng đồng đã phát huy sức mạnh của Nhân dân để chiến thắng dịch COVID-19; kết quả thí điểm mô hình Tổ Dân vận cộng đồng tại xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên) và Đồng Tâm (huyện Yên Thế) cho thấy để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở thì Nhân dân phải thật sự là trung tâm, là chủ thể, giữ vai trò quyết định.

Tổ dân vận cần phải có sự đổi mới về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và phương pháp hoạt động để đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới, hướng mạnh về cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang làm việc với một số thành viên Tổ Dân vận cộng đồng thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang làm việc với một số thành viên Tổ Dân vận cộng đồng thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế

Từ những vấn đề trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đã đề xuất xây dựng Đề án thành lập và hoạt động của Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của đông đảo Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Ngày 31.1.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kết luận số 214-KL/TU về Đề án thành lập và hoạt động của Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, với một số nội dung chủ yếu sau:

Nhất trí thông qua Đề án thành lập và hoạt động Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Về mục tiêu: Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận ở cơ sở, khu dân cư.

Đổi mới mới nội dung, phương thức công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố nhằm phát huy sức mạnh của Nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

10/10 huyện, thành phố thực hiện thí điểm mô hình Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố (mỗi xã, phường, thị trấn thành lập thí điểm ít nhất 01 Tổ Dân vận cộng đồng); các địa phương đã triển khai đại trà tiếp tục triển khai thực hiện mô hình; các huyện, thành phố có điều kiện thì triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Dân vận cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn với số lượng nhiều hơn số lượng tối thiểu thực hiện thí điểm, bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình thí điểm trong năm 2023; năm 2024, triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, 100% các Tổ Dân vận cộng đồng được đánh giá xếp loại theo tiêu chí do Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn.

Về nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến, vận động người thân, gia đình và người dân nơi cư trú thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Phối hợp tổ chức cho Nhân dân tham gia giám sát các nội dung: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ gìn an ninh, trật tự; bảo vệ môi trường.

Nắm và phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân nơi cư trú đến cấp ủy, chính quyền; tham gia điều tra, khảo sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân ở địa bàn dân cư.

Phối hợp với ban quản lý thôn, ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng các mô hình điển hình "Dân vận khéo".

Tỉnh ủy Bắc Giang giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Anh Thế - Ngô Thuận

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoat-dong-chinh-quyen/de-an-to-dan-van-cong-dong-va-nhung-buoc-dot-pha-trong-cong-tac-dan-van-tai-tinh-bac-giang-i316285/