Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội dân tộc thiểu số và miền núi: 'Một quyết sách ý Đảng, lòng dân'

'Trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để triển khai. Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã xây dựng nhiều đề án để triển khai việc này. Đây là một nghị quyết mang dấu ấn lịch sử. Có thể nói, đây là một quyết sách ý Đảng, lòng dân'.

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi trả lời chất vấn tại Quốc hội đối với câu hỏi của Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) liên quan đến việc triển khai đề án tổng thể cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào chiều nay (9/11).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn.

Đại biểu Vương Ngọc Hà đặt trình bày: Cử tri rất mong chờ và kỳ vọng vào việc triển khai đề án tổng thể cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Qua tiếp xúc cử tri, vẫn còn một số băn khoăn, lo lắng về nguồn lực, tiến độ và hiệu quả của chương trình, như những khó khăn, vướng mắc đã xảy ra trước đây với những việc thực hiện chính sách dân tộc.

"Vì vậy, xin Phó Thủ tướng cho biết quan điểm, giải pháp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện triển khai đề án để đạt được mục tiêu, hiệu quả và tiến độ đề ra. Kính mong Phó Thủ tướng cho biết rõ để bà con cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi yên tâm", Đại biểu đề nghị.

Xác định 4 mục tiêu thực hiện Đề án

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Ngọc Hà, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ: "Tôi xin trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà. Rất cảm ơn đại biểu đã đặt câu hỏi rất thời sự mà đồng bào, cử tri cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc miền núi nói riêng đang rất quan tâm".

Theo Phó Thủ tướng, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, đặc biệt quan tâm và đã có Kết luận số 615 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều sự đầu tư lớn nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng so với nguyện vọng của đồng bào cũng như so với yêu cầu thì chưa đáp ứng được. "Đây là sự trăn trở rất lớn", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết, để tiếp tục thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết Trung ương, Chính phủ dự kiến trình một dự án luật về đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng sau thấy sẽ rất lâu và khó khả thi, Chính phủ đã xin ý kiến Thường vụ Quốc hội và thống nhất xây dựng một đề án. Từ đề án này trình Quốc hội thì Quốc hội đã thông qua bằng Nghị quyết số 88 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai.

"Trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để triển khai. Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã xây dựng nhiều đề án để triển khai việc này. Đây là một nghị quyết mang dấu ấn lịch sử. Có thể nói, đây là một quyết sách ý Đảng, lòng dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xác định có 4 mục tiêu sau: Thứ nhất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển.

Thứ ba, khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách trước đây.

Thứ tư, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Làm thế nào để nâng cao dân trí, nâng cao khả năng, tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, nhất là đào tạo một lớp trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế, v.v. để nâng cao.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang).

Giải pháp nâng cao đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thực hiện Đề án, dự kiến đầu tư thực hiện nghị quyết trên một ngàn tỷ, tức là 1.400 tỷ, một con số rất lớn và thời gian thì chia ra 2 kế hoạch 5 năm từ 2021-2026 và 2026-2030.

"Theo đề án dự kiến là trong 10 năm và đề ra trong một khoảng thời gian dài như thế với số vốn rất lớn như thế thì cử tri rất băn khoăn về tính khả thi của nó là đúng", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, đây là một quyết tâm rất lớn, Chính phủ đã đề ra và nghị quyết thông qua các giải pháp, cụ thể: Một là, giải pháp rất quan trọng là nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030. Như vậy, xác định đây là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, nội dung cử tri quan tâm hơn nữa là huy động nguồn lực thế nào để thực hiện Đề án thì Nghị quyết xác định rất rõ là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện đề án chương trình mục tiêu quốc gia thì Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh, các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra.

Thứ tư là đề án chương trình mục tiêu quốc gia với một lượng vốn ngân sách khá lớn, nhưng đối với từng công trình thì nhỏ hoặc là vừa, đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, phù hợp với thực tiễn, tăng cường sự giám sát của nhân dân thay cho sự ràng buộc các thủ tục hành chính rườm rà mà vẫn không đạt được hiệu quả.

Thứ năm, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, tới đây sẽ hướng dẫn các tỉnh giao trách nhiệm cho một đầu mối theo dõi, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Thứ sáu, Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lãng phí, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-an-tong-the-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-mot-quyet-sach-y-dang-long-dan-post104813.html