Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực đã triển khai đến đâu?
UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo liên quan đến tình hình xây dựng đề án để thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực để trình HĐND thành phố xem xét tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X.
Nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, mô hình trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng sẽ gồm 3 cấu phần.
Trong đó, cấu phần trung tâm tài chính offshore sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập những định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực.
Cấu phần trung tâm Fintech ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác.
Cuối cùng là các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đặt ra lộ trình thực hiện đề án, trong đó, giai đoạn 2022-2023 sẽ hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt, Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Qua giai đoạn 2023-2024 sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng; đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Giai đoạn 2024-2030 sẽ tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp... và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin… Thu hút các định chế tài chính quốc tế và các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng trên thế giới triển khai dần các hoạt động của một trung tâm tài chính offshore. Đồng thời, phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho Fintech, cấp phép Fintech theo cơ chế quản lý Nhà nước thí điểm, thúc đẩy các hoạt động starup về Fintech; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý hiện hành liên quan.
Giai đoạn sau 2030 sẽ chuyển đổi mô hình trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm Fintech của quốc gia khu vực vào năm 2045.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đề xuất 11 cơ chế chính sách và ưu đãi đặc thù và chia thành 5 nhóm vấn đề liên quan đến đề án trung tâm tài chính
Trong đó, nhóm về cơ chế khuyến khích sẽ ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế.
Về thị trường tài chính có chính sách phát triển thị trường vốn, có cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Về tiền tệ, ngân hàng Đà Nẵng đề xuất khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng, cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách ngoại hối; chính sách phát triển công nghệ tài chính (Fintech)….
Đánh giá tác động của đề án, UBND TP. Đà Nẵng nêu ra 6 lợi ích tích cực như: Tăng thu ngân sách thành phố từ 5-10% tùy thuộc vào doanh thu hoạt động của các nhà đầu tư trong trung tâm tài chính; các nguồn thông tin về tài chính trở nên đa dạng và có chất lượng; tạo điều kiện để trực tiếp huy động vốn đầu tư quốc tế mà không phải thông qua trung tâm tài chính tại các quốc gia khác; khuyến khích sự phát triển các công ty ứng dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ tài chính; hình thành các dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, hấp dẫn du khách quốc tế; phát triển thị trường tài chính và hạ tầng tài chính.
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng đưa ra cảnh báo nhiều rủi ro chính sách như: Rủi ro mở cửa thị trường tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài; rủi ro về quản lý ngoại hối; rủi ro về rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài; rủi ro về an ninh quốc phòng; rủi ro về nhà đầu tư chiến lược….
Nhiều kiến nghị vượt khung pháp lý hiện hành
UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, ngày 24/5/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nhận định về Đề án của thành phố Đà Nẵng .
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trung tâm tài chính hải ngoại (offshore) là mô hình có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, vừa triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế rủi ro.
Về trung tâm Fintech thì so với các trung tâm tài chính lân cận như Singapore và Thượng Hải thì các yếu tố cấu thành fintech ở Việt Nam như quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực... còn thấp hơn hẳn nên mức độ cạnh tranh là thấp.
Đối với các dịch vụ tiện ích, đề án của thành phố Đà Nẵng chưa làm rõ được sự liên kết giữa các dự án đầu tư bất động sản, vui chơi giải trí với các hoạt động trong trung tâm tài chính nên có thể nghiên cứu tách các hoạt động này thành dự án độc lập và áp dụng theo khung pháp lý hiện hành.
Về kiến nghị cải cách chính sách tương tự đối với đề án trung tâm tài chính của TP Hồ Chí Minh, nội dung góp ý các bộ, ngành và nội dung phản hồi, tiếp thu của UBND thành phố Đà Nẵng còn chưa thống nhất trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Đề án kiến nghị nhiều ưu đãi vượt quá mức cao nhất hiện nay và khung pháp lý hiện hành của pháp luật về đất đai, thuế, tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, chưa phân tích được sự cần thiết, tác động của các chính sách đặc thù đối với mặt bằng chính sách chung của Việt Nam.
Ngoài ra, đề án chưa có sự so sánh, đánh giá mức cạnh tranh của cơ chế, chính sách so với các chính sách ưu đãi của các trung tâm tài chính khác trong khu vực.