Để ASEAN bứt phá thành tâm điểm tăng trưởng
Một ASEAN tầm vóc-Tâm điểm của tăng trưởng thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 với chủ đề “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”, sáng 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Bền vững, bao trùm và thích ứng
Năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế ASEAN đạt 3,98%, cao hơn so với mức tăng trưởng toàn cầu là 2,6%. Thương mại hàng hóa đạt 3,4 nghìn tỷ USD tăng khoảng 25% so với năm trước, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 174 tỷ USD, tăng khoảng 42%. Điều này cho thấy rõ ràng khả năng phục hồi của ASEAN trước những cú sốc kinh tế lớn.
Năm 2022 tiếp tục đánh dấu bước ngoặt của kinh tế khu vực khi các nước tái mở cửa, từng bước phục hồi và nâng cao tự cường, với sự đóng góp lớn của các ngành sản xuất, vận tải và du lịch… Tăng trưởng khu vực cơ bản giữ vững, dự báo tăng trưởng đạt 4,7%.
Trước các biến động địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến như Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược trung hòa Carbon, Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN, Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN…
Năm nay, Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường. Dù ASEAN vẫn là điểm sáng kinh tế, song cũng nhận định thách thức với toàn khu vực ngày càng phức tạp, cả từ bên trong và bên ngoài.
Bởi vậy, chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” đã được Lãnh đạo các nước thành viên bày tỏ ủng hộ và đề cao ý nghĩa chiến lược, thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu trong tương lai.
Các lãnh đạo cam kết đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, nhấn mạnh vào các giải pháp thiết thực để ASEAN thực sự là tâm điểm, động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo đề nghị ASEAN ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính.
Đưa ra các yêu cầu cấp thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mở rộng thị trường nội khối, nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Cùng đối phó với những thách thức mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cần được quan tâm, đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề và xem xét mở rộng áp dụng Thỏa thuận trong những ngành nghề mới.
Vị thế và sức bật trong thời đại mới
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN, Giám đốc Hợp tác kinh tế ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Berlianto Situngkir cho biết, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, nước này đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khối đạt 4,3% vào năm nay.
Ủng hộ chủ đề “Tâm điểm tăng trưởng”, ông Berlianto cho rằng, thành công về tăng trưởng kinh tế bền vững ở ASEAN đòi hỏi bốn yếu tố chính: cơ cấu y tế mạnh mẽ, an ninh lương thực, an ninh năng lượng hướng tới quá trình chuyển đổi kinh tế sạch và tái tạo, ổn định tài chính trong khu vực trước những cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.
Đánh giá các vấn đề trao đổi tại Hội nghị toát lên hơi thở của thời đại, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cũng đề cao mục tiêu đưa ASEAN bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng.
Trên tinh thần đoàn kết là sức mạnh, thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể, lãnh đạo các nước đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của Cộng đồng trong 20 năm tới, với mục tiêu, khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm ASEAN.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu Brian Lee Shun Rong, thuộc Ngân hàng đầu tư Maybank Singapore, có một số lý do để Đông Nam Á trở thành điểm sáng kinh tế: “Thứ nhất, đó là những lợi ích thương mại từ việc các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch. Thứ hai là thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Thứ ba là việc tái cấu trúc các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN đã làm tăng vốn FDI đáng kể. Ngoài ra còn có chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực”.
Hiện ASEAN chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu; khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới. Quy mô nền kinh tế số ước tính đạt 194 tỷ USD. Cũng trong năm 2022, ASEAN đã nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng như Mỹ và Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Khi ASEAN ngày càng có vị thế quan trọng hơn trong nền kinh tế thế giới, các đối tác quan trọng sẽ lập tức tìm đến. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gian Raimondo từng bày tỏ, “chúng tôi hy vọng có thể cùng ASEAN tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực chúng tôi muốn tập trung chú ý sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi mong muốn hợp tác với ASEAN nhằm xây dựng khả năng ‘đàn hồi mạnh mẽ hơn’, an ninh hơn cho chuỗi cung ứng”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-asean-but-pha-thanh-tam-diem-tang-truong-226701.html