Để Bắc Xa gần lại

Cách thành phố Lạng Sơn hơn 100km, đường đến xã biên giới Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn khúc khuỷu, gập ghềnh đèo dốc suốt cả chặng đường. Nơi đây cư dân thưa thớt với 98% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo từng ở mức khá cao...

Đoàn cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội phụ nữ Lạng Sợn, Hội phụ nữ huyện Đình Lập đến thăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa ở trạm, chốt chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Minh

Đoàn cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội phụ nữ Lạng Sợn, Hội phụ nữ huyện Đình Lập đến thăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa ở trạm, chốt chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Minh

Hành trình 3 năm dài

Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đình Lập chúng tôi đến Đồn Biên phòng Bắc Xa, BĐBP Lạng Sơn vào buổi chiều muộn đầu tháng 7. Tuy đang là giữa mùa Hạ, nhưng ở vùng biên ải này, chiều về, bóng tối cũng đến thật nhanh. Mới khoảng 6 giờ chiều, ánh đèn điện nơi đầu con dốc đã phải bật lên soi xuống con đường đất đá dăm lạo xạo dẫn lên cổng đồn.

Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại trong 2 phòng nghỉ được các anh ở đồn gọi là phòng khách quân nhân - còn mọi người thì hay gọi đùa đó là “Phòng hạnh phúc”. Nhắc đến căn phòng này, lại phải nói về điểm khởi nguồn liên quan đến Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 do Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức. Căn phòng này đã được Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa trao tặng 200 triệu hỗ trợ xây dựng. Cuối năm 2018, phòng khách hoàn thiện, trở thành nơi đón tiếp chu đáo khi có khách phương xa hoặc có vợ con các cán bộ, chiến sĩ lên thăm đơn vị.

Thị trấn Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 3-2018 đã được chương trình lựa chọn là nơi tổ chức lễ ra quân. Cũng cùng thời điểm bắt đầu đó, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập đã được lựa chọn là 1 trong 110 xã biên giới được nhận hỗ trợ, bởi đây là xã biên giới vùng III đặc biệt khó khăn. Xã có đường biên giới dài hơn 33km, có 5/13 thôn bản giáp biên, địa bàn rộng. Đời sống của phụ nữ, bà con nơi đây khó khăn, chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Xã có 324 hộ với 1.508 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Nùng chiếm tới 98%. Hơn 3 năm trước, số hộ nghèo nơi đây là 119 hộ, chiếm gần 37%.

Sau lễ phát động chương trình, các đơn vị bao gồm Ban Dân tộc - Tôn giáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn và Đồn Biên phòng Bắc Xa... đã cùng ký kết biên bản phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Sau 3 năm, hiệu quả giờ đây đã nhìn thấy rõ nét. Chương trình đã ưu tiên triển khai trao tặng mô hình sinh kế nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo. Ban Dân tộc - Tôn giáo là đầu mối tham mưu và trực tiếp triển khai việc xã hội hóa, tiết kiệm kinh phí để hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng mô hình sinh kế trồng cây sa nhân cho 20 hộ gia đình phụ nữ nghèo.

Năm 2018, Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương hỗ trợ 57 công trình vệ sinh cho các hộ phụ nữ nghèo. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã lựa chọn hỗ trợ 14 công trình phụ trợ thiết yếu cho các nhà văn hóa các thôn trị giá 84 triệu đồng. Năm 2020, Ban Dân tộc -Tôn giáo tham mưu và là đầu mối triển khai hỗ trợ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xây dựng mô hình mẫu phân loại rác thải; thu gom rác đúng nơi quy định và duy trì thực hiện bền vững; tập trung tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về cải tạo môi trường, phân loại rác thải, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...

Trong 3 năm triển khai, 700 triệu đồng là tổng số nguồn lực đã được các đơn vị BĐBP và Hội phụ nữ nhận hỗ trợ, tham mưu, huy động, đầu tư để thực hiện các hoạt động tại Bắc Xa. Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã vui mừng nói: “Việc hỗ trợ các công trình dân sinh đã góp phần quan trọng giúp xã đạt đủ các chỉ tiêu và về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018. Riêng mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo nuôi bò, trồng sa nhân đã từng bước giúp đời sống của phụ nữ và nhân dân dần cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương”. Trước khi triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tỷ lệ hộ nghèo trong xã là 36,73%; năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 11,04% và đến nay đã giảm xuống chỉ còn 6,40%.

Những câu chuyện ấm lòng

Bắc Xa có gia đình nghèo, trụ cột là chị cả Tô Thị Bay, sinh năm 1997, cùng 3 đứa em nhỏ. Bố mẹ Bay đều trên 60 tuổi, mắc trọng bệnh. Do hoàn cảnh khó khăn, nên dù thích học nhưng chỉ hết lớp 9, Bay phải nghỉ học, trở thành lao động chính trong gia đình. Tuy Bay làm việc vất vả, nhưng gia đình vẫn thiếu gạo, phải ăn cháo ngô là chủ yếu. Năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã hỗ trợ gia đình Bay một con bò giống. “Từ ngày nhận bò, em đảm đương chính việc chăm sóc, chăn thả. Bây giờ, bò đã lớn vào kỳ sinh sản. Đã 3 lần em dắt bò đến những bãi chăn thả để tìm bò đực. Em mong sắp tới bò sinh sản để gia đình có bò con, khi đó, gia đình sẽ có nguồn thu”.

Một trong những gia đình dân tộc thiểu số tại Bắc Xa được BĐBP Lạng Sơn cấp bò sinh sản. Ảnh: Minh Minh

Một trong những gia đình dân tộc thiểu số tại Bắc Xa được BĐBP Lạng Sơn cấp bò sinh sản. Ảnh: Minh Minh

Bắc Xa vẫn giữ phong tục, tập quán cũ, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân và phụ nữ còn hạn chế. Nhưng Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Xa, Trung tá Hoàng Văn Bi chia sẻ: “Sau khi triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng Bắc Xa và Hội phụ nữ địa phương đã tăng cường vận động chị em thực hiện “5 không, 3 sạch”; tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép; vận động trẻ em đến trường... Nhận thức của bà con, đặc biệt là của chị em phụ nữ được nâng lên đáng kể. Các đơn vị phối hợp tổ chức được 14 hoạt động truyền thông về phát huy vai trò của phụ nữ trong vận động chồng, con, người thân trong gia đình tham gia thực hiện chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, không đi Trung Quốc làm thuê trái pháp luật, không xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới... đã thu hút 280 lượt người tham gia. Tại 5/5 bản giáp biên, đã có 28 hộ gia đình cùng tham gia ký kết phối hợp với đồn Biên phòng quản lý, bảo vệ hơn 33km đường biên và 40 cột mốc”.

Chúng tôi rời Đồn Biên phòng Bắc Xa về xuôi mang theo niềm hy vọng tràn trề về hiệu quả của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được đong đếm qua thực tế. Bắc Xa dần không còn xa nữa qua những câu chuyện ấm lòng như thế!

Minh Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-bac-xa-gan-lai-post430968.html