Dự án đê, kè biển Quảng Thái, Quảng Lưu, huyện Quảng Xương được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại quyết định 1561 vào tháng 5/2016 với tổng chiều dài tuyến hơn 3,3 km, tổng mức đầu tư gần 182 tỷ đồng. Trong đó, vốn Ngân sách trung ương bố trí đủ 45 tỷ đồng, hơn 136 tỷ đồng còn lại do địa phương cân đối, huy động.
Diện tích đất sử dụng là 15,15 ha với mục tiêu đảm bảo phòng, chống lụt bão, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày dự án được phê duyệt, chủ đầu tư được xác định là Sở NN&PTNT Thanh Hóa.
Sau 6 năm trôi qua, do thiếu vốn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chỉ thực hiện dự án tới điểm dừng kỹ thuật với tổng vốn trên 41 tỷ đồng (hoàn toàn là vốn Trung ương) và chỉ thực hiện kè được 1,4 km (đạt 43% so với kế hoạch ban đầu).
Dù đã được điều chỉnh quy mô chỉ còn gần 1/2 so với thiết kế ban đầu nhưng đến nay, tuyến đê biển vẫn làm chưa xong, thực hiện rất nham nhở, xôi đỗ, không liền mạch, dẫn tới mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển du lịch khó đạt hiệu quả.
Ông Tô Văn Thành, trú thôn xã Quảng Thái cho rằng: Dự án thi công dang dở, rừng phi lao, cồn cát có tác dụng chắn sóng đã bị chặt bỏ khiến nước biển xâm thực sâu vào đất liền, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Được biết, dọc tuyến đê, kè xã Quảng Thái có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng cũng như việc thi công dang dở khiến cho việc đi biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Hàng nghìn khối bê tông đã được nhà thầu đúc sẵn, hàng trăm cống thoát nước đã được hoàn thiện nhưng nay bị vứt ngổn ngang dọc bờ biển.
Ông Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, nếu muốn thực hiện du lịch ven biển ở địa phương thì chỉ làm được khi tuyến đê hoàn thành. Còn nếu đường đê cứ dở dang, việc phát triển du lịch sẽ khó thực hiện được.
Rừng phi lao không còn, đê biển thì không xong. Trong lúc mùa mưa bão đang đến, người dân Quảng Thái chỉ còn biết chờ đợi và tin rằng những cơn sóng to, gió lớn sẽ không gây ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình.
Đình Minh